Ngành bia Việt Nam trước ngã rẽ sống còn: Heineken, Sabeco, Habeco... xoay xở thế nào giữa gọng kìm chính sách?
Bức tranh kinh doanh quý I/2025 của ngành bia cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt cùng tác động từ Nghị định 168 siết chặt nồng độ cồn.
Việc uống bia từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt, không chỉ là phương tiện kết nối trong các cuộc gặp gỡ, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ trong môi trường công việc lẫn đời sống cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, bia càng trở thành thức uống giải khát phổ biến, được ưa chuộng cả bởi người dân trong nước lẫn du khách quốc tế.
Theo thống kê từ Astute Analytica, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ bia cao nhất châu Á. Trung bình mỗi người trưởng thành tiêu thụ khoảng 8,3 lít đồ uống có cồn mỗi năm, trong đó bia chiếm tới 91%. Riêng trong năm 2024, sản lượng bia tiêu thụ toàn quốc ước đạt 3,8 triệu kilolit, tương đương mức tiêu thụ bình quân đầu người vào khoảng 43 - 46 lít/năm.
Cuộc đua mở rộng của các ông lớn
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn, các doanh nghiệp trong ngành bia không ngừng mở rộng công suất sản xuất. Hầu hết các thương hiệu lớn đều sở hữu mạng lưới nhà máy quy mô, phân bổ rộng khắp cả nước. Hiện nay, Heineken Việt Nam vận hành 6 nhà máy, trong đó cơ sở tại Vũng Tàu là nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á, với công suất lên đến 1,1 tỷ lít mỗi năm. Sabeco (SAB) dẫn đầu về công suất khi sở hữu 26 nhà máy, tổng công suất vượt 2,2 tỷ lít/năm, còn Habeco (BHN) cũng đóng góp hơn 800 triệu lít mỗi năm.
Không dừng lại ở hiện tại, công suất ngành bia đang tiếp tục được nâng cấp. Mới đây, Heineken công bố đầu tư thêm 540 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kỳ vọng bổ sung thêm 500 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, phân khúc bia thủ công (craft beer) dù còn nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng tại các đô thị lớn, nhắm tới nhóm khách hàng trẻ và có gu thưởng thức tinh tế hơn.
Thị trường bia Việt cũng đang dần phân hóa theo vùng miền. Trong khi Habeco giữ vững vị thế tại miền Bắc, Carlsberg tập trung khu vực miền Trung, thì Sabeco và Heineken sở hữu hệ thống phủ khắp cả nước. Việc áp dụng chiến lược tiếp cận theo khu vực không chỉ giúp tối ưu chi phí phân phối mà còn tăng mức độ phù hợp với thị hiếu tiêu dùng từng vùng.
![]() |
Các hãng bia xoay xở trong bối cảnh mới |
Heineken tăng trưởng, Sabeco hụt hơi: Bức tranh phân hóa của ngành bia Việt giữa cơn giông chính sách
Đầu năm 2025, Bộ Công an đã ban hành Nghị định 168, nâng mức tiền phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, nhằm siết chặt kiểm soát nồng độ cồn. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tác động từ Nghị định 168 đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý đầu năm.
Điển hình là Sabeco, doanh thu thuần quý I/2025 giảm 19% còn khoảng 5.811 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất sụt mạnh 22%, chỉ đạt gần 800 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ quý IV/2021.
Ngược lại, Habeco có bước phục hồi ấn tượng khi lãi ròng quý I đạt gần 20,7 tỷ đồng, đảo chiều tích cực so với khoản lỗ 21 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Heineken duy trì đà tăng trưởng với mức tăng doanh thu và sản lượng ở mức hữu cơ khoảng 15%. Mức tăng này chủ yếu nhờ sự bứt phá của các dòng sản phẩm cao cấp, đặc biệt trong mùa Tết.
Dù kết quả kinh doanh có sự phân hóa, nhưng bức tranh toàn ngành trong quý đầu năm 2025 vẫn mang gam màu trầm. Việc Sabeco - doanh nghiệp có thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sụt giảm cho thấy rõ những thách thức mà toàn ngành đang phải đối mặt.
![]() |
Dự thảo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu |
Sabeco, Heineken, Habeco… xoay xở ra sao trước cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?
Bên cạnh các Nghị định 168 siết chặt nồng độ cồn, ngành bia tiếp tục đối mặt với đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với 2 phương án điều chỉnh. Trong đó, phương án 1 dự kiến tăng thuế từ 65% lên 70% vào năm 2026, sau đó tiếp tục tăng thêm 5% mỗi năm đến năm 2030. Kịch bản 2 sẽ tăng đột ngột lên 80% ngay trong năm 2026, sau đó tăng 5% mỗi năm như phương án 1.
Trước đề xuất này, Sabeco cùng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) – đang kiến nghị lựa chọn phương án 1 nhằm tránh cú sốc lớn cho thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho biết sẽ chuyển toàn bộ chi phí tăng thêm vào giá bán, bất kể phương án nào được thông qua.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu phương án 2 được áp dụng, sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm đáng kể, trong khi biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng chịu áp lực lớn. Ước tính, sản lượng tiêu thụ bia trên toàn thị trường có thể giảm khoảng 5% trong năm 2026 - thời điểm bị ảnh hưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, từ năm 2027 trở đi, việc tăng thuế với mức ổn định hơn được kỳ vọng sẽ gây ít xáo trộn hơn, dựa trên dữ liệu từ giai đoạn 2016 - 2018.
Ngành bia Việt Nam đang cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa cao. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn, đặc biệt là tác động của Nghị định 168 và áp lực gia tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt. Để giữ vững vị thế, các hãng bia buộc phải thích ứng nhanh chóng, tìm hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động.
>> Sabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Mỗi lít bia tiêu thụ 'ngốn' gần 2.000 đồng cho một khoản phí