Ngành công nghiệp dạy thêm đạt 20 tỷ USD bất chấp lệnh cấm
HÀN QUỐC - Năm 2023, chi tiêu của Hàn Quốc cho dạy thêm tư nhân đạt kỷ lục 26 nghìn tỷ won (20 tỷ USD) mặc dù số lượng học sinh giảm. Chính phủ đang nhằm vào các cơ sở dạy thêm với khoảng 80% học sinh theo học.
Sáng kiến “trấn áp” ngành công nghiệp tỷ đô
Yerim Kim, học sinh năm hai trung học ở Seoul, đang rất lo lắng. Chỉ còn một năm nữa là đến kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời và kế hoạch “chiến đấu” của cô gái 17 tuổi này đã rơi vào tình trạng bất định bởi biện pháp của chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh và giảm bớt chi tiêu của phụ huynh cho giáo dục.
Tháng 7/2023, chính phủ Hàn Quốc đã thông báo loại bỏ “những câu hỏi sát thủ” - những phần ghi điểm- khỏi Suneung, kỳ thi tuyển sinh đại học khét tiếng khắc nghiệt còn được gọi là SAT Hàn Quốc.
“Tôi cảm thấy lo lắng về những hậu quả tiềm tàng đối với tương lai của tôi”, Kim nói với Tạp chí TIME. “Bài thi SAT Hàn Quốc dựa trên sự đánh giá tương đối và việc giảm bớt các câu hỏi khó chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả không mong muốn, đặc biệt là đối với những học sinh muốn đạt thành tích cao”.
Động thái này là bước đi mới nhất được thực hiện trong sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ nhằm “trấn áp” ngành dạy thêm tư nhân đang bùng nổ ở nước này.
Bất chấp số lượng học sinh giảm vào năm 2023, chi tiêu toàn quốc cho dạy thêm vẫn tăng lên mức kỷ lục 26 nghìn tỷ won (20 tỷ USD) tại Hàn Quốc. Trong khi đó, quốc gia này cũng có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, điều này gây ra mối lo ngại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Khi một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học xuất hiện, các nhà chức trách đang nhắm tới các hagwon hay còn gọi là “trường luyện thi”- các cơ sở dạy kèm có khoảng 80% học sinh Hàn Quốc theo học. Có hơn 24.000 hagwon nằm ngay tại Seoul, gấp 3 lần số lượng cửa hàng tiện lợi trong thành phố.
Tuy vậy, nhiều thập kỷ cải cách chỉ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc mang tính hệ thống vào hagwon và các biện pháp gần đây cũng được cho không giải quyết được gốc rễ các vấn đề giáo dục của Hàn Quốc. Nguyên nhân bao gồm văn hóa cạnh tranh khắc nghiệt hay thị trường lao động mất cân bằng.
“Thật khó để tự mình chuẩn bị cho kỳ thi ở trường khi các hagwon cung cấp rất nhiều tài liệu học tập bạn không thể có được. Việc mọi người khác đều đến hagwon khiến tôi cảm thấy như mình đang bỏ lỡ điều gì đó nếu không tham gia. Nó giống như điều trị các triệu chứng chứ không phải bệnh tật. Vấn đề giáo dục sẽ luôn nóng ở Hàn Quốc trừ khi việc chú trọng đến bằng cấp được giảm bớt”, Kim cho biết.
Bám víu vào yếu tố quyết định thành công
Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cố gắng tiến hành các quy định để xoa dịu những lo lắng về học thuật, từ lệnh giới nghiêm đối với các trường luyện thi cho đến lệnh cấm hoàn toàn vào những năm 1980.
Tuy nhiên, nỗ lực vô vọng bởi mong muốn đạt điểm cao trong kỳ thi Suneung, được coi là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của người Hàn.
Vào ngày Suneung, thường diễn ra vào tháng 11, cả Hàn Quốc nín thở khi nửa triệu học sinh dự thi. Máy bay bị cấm bay để giảm thiểu tiếng ồn, các doanh nghiệp địa phương và thị trường chứng khoán mở cửa muộn hơn bình thường và cảnh sát có nhiệm vụ hộ tống những sinh viên đến muộn. Trong khi đó, cha mẹ và ông bà đổ xô đến chùa để cầu nguyện cho điểm thi tốt.
Mỗi mùa Suneung, chỉ khoảng 20% thí sinh thi lại để giành được một suất vào các trường đại học mơ ước.
“Một số em có thể cảm thấy rằng việc tốt nghiệp từ các trường đại học khác chẳng có ý nghĩa gì”, GS Ty Choi từ ĐH Ngoại ngữ Hankuk, nói.
“Điều này gắn liền với ý nghĩa của thành công ở Hàn Quốc. Bạn muốn có một cuộc sống ổn định và cuộc sống ổn định có nghĩa là được tuyển dụng vào một công ty chaebol”, ông nói thêm, ám chỉ các tập đoàn lớn, thường do gia đình điều hành, thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.
Các công ty này hầu như chỉ tuyển dụng từ ba trường đại học hàng đầu của đất nước và đối với hầu hết sinh viên thông minh nhất của Hàn Quốc, đó là chaebol hoặc không là gì.
Trong khi đó, PGS Sonia Exley tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận định: “Thực chất, vấn đề cốt lõi nằm ngoài chính sách giáo dục”. GS chỉ ra mức độ “phân cực trong thị trường lao động” của Hàn Quốc là thủ phạm thực sự.
“Số lượng việc làm tại các công ty hàng đầu là có hạn, khó và có tính cạnh tranh cực kỳ cao. Điều đó có tác động nhỏ giọt trở lại hệ thống giáo dục. Những gì bạn thấy là mọi người đang cố gắng hết sức để vào được các trường đại học hàng đầu để họ có thể có được một trong những công việc hàng đầu đó”.
1/3 học sinh cấp 2, cấp 3 có ý định tự tử do căng thẳng
Tuy nhiên, khi các gia đình ở Hàn Quốc phải gánh chịu gánh nặng tài chính để trả chi phí khổng lồ cho giáo dục tư nhân. Gia đình hy vọng khoản đầu tư sẽ được đền đáp trên thị trường lao động.
Ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc không hài lòng với việc thiếu cơ hội tương xứng với bằng cấp của họ và đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm. Một cuộc khảo sát của chính phủ vào tháng 6/2023 ghi nhận 357.000 người ở độ tuổi 20 thất nghiệp và không tích cực tìm kiếm việc làm, tăng 11% so với năm ngoái.
Những cải cách giáo dục hầu như không làm giảm khả năng cạnh tranh trong học thuật, thay vào đó lại khiến phụ huynh và học sinh lo lắng và gửi họ đến các hagwon. Tuy nhiên, sức khỏe của nhiều học sinh bị ảnh hưởng, những người nhận thấy mình đang phải chịu áp lực và kỳ vọng ngày càng tăng trong học tập.
“Các em được cha mẹ hoặc giáo viên dạy phải vượt trội hơn những người khác. Giống như người bạn cùng lớp chính là kẻ thù học thuật của bạn. Bầu không khí mà hagwon tạo ra khá áp lực và bí bức”.
Sự nhấn mạnh vào điểm số đôi khi có thể là quá sức đối với học sinh cấp hai và cấp ba ở Hàn Quốc, khi hơn 1/3 (33.8%) trong số các em cho biết đã từng có ý định tự tử do căng thẳng trong thành tích học tập, theo Yonhap.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị luận tội vì ban bố lệnh thiết quân luật
Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol