Nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung suy giảm tạo ra nhiều lo ngại về thiếu hụt dầu trong nửa cuối 2023.
Nguồn cung toàn cầu giảm chủ yếu do OPEC+ cắt giảm sản lượng
Theo báo cáo mới cập nhật tại Chứng khoán Rồng Việt, đầu tháng 4/2023, OPEC+ đã công bố cắt giảm 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và sẽ duy trì việc cắt giảm đến cuối 2023.
Trong đó, Saudi Arabia đóng góp 0,5 triệu thùng dầu/ngày. Kết hợp với tuyên bố duy trì việc cắt giảm 0,5 triệu thùng dầu/ngày của Nga sau đó, tổng sản lượng cắt giảm của nhóm này là 1,6 triệu thùng/ngày.
Trước đó vào năm 2022, nhóm cũng đã công bố cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày. Hiện tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ hiện vào khoảng 3,6 triệu thùng dầu/ngày ~ 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu.
Thông báo cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ đã đẩy giá dầu bật tăng sau chuỗi ngày giảm mạnh do các lo ngại về khủng hoảng kinh tế khi một vài ngân hàng nhỏ tại Mỹ sụp đổ.
Trong khi nguồn cung từ nhóm OPEC+ sụt giảm mạnh, nguồn cung dầu đá phiến chỉ tăng ở mức 0,4 triệu thùng dầu/ngày tính từ cuối năm 2022 cho dù giá dầu ở mức cao.
Các doanh nghiệp dầu đá phiến vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất ổn định và tránh tăng sản lượng quá mức cần thiết để (1) giúp giá dầu ở mức cao (2) không gặp áp lực về tài chính trong trường hợp giá dầu giảm mạnh.
Do đó, khó có thể kỳ vọng nguồn cung từ dầu đá phiến có thể bù vào phần giảm của OPEC+.
Với tình hình như hiện tại, nhóm OPEC+ hiện là người nắm quyền quyết định “điều hướng” giá dầu thế giới thông qua các chính sách của mình.
Dự báo về nhu cầu dầu khá tích cực
Về mặt nhu cầu, Trung Quốc vẫn là động lực chính của toàn cầu sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.
Theo dự báo của OPEC, tổng nhu cầu dầu thế giới tăng 2,3 triệu thùng dầu/ngày lên 101,89 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức trước đại dịch. Trong đó, nhu cầu Trung Quốc tăng 0,7 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 1/3 tổng sản lượng tăng của toàn thế giới.
Theo dự báo IEA, tổng nhu cầu thế giới tăng 2 triệu thùng dầu/ngày và Trung Quốc chiếm 50% phần sản lượng tăng của toàn thế giới. Nhu cầu tại Trung Quốc sẽ tăng dần từ Q2/2023 trở đi theo lộ trình mở cửa dần trở lại của nền kinh tế.
Nhìn chung các dự báo đều lạc quan về tình hình tiêu thụ của toàn cầu bất chấp những khó khăn của nền kinh tế thế giới vì lạm phát cao.
Giá dầu được kỳ vọng ở mức cao trong phần còn lại của năm do thiếu hụt nguồn cung
Nhu cầu toàn cầu được dự báo tăng vượt cả mức trước đại dịch trong khi nguồn cung đang bị cắt giảm mạnh từ nhóm OPEC+.
Theo đó, IEA lo ngại rằng thị trường sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2023.
Với tình trạng thiếu hụt như trên, nhiều tổ chức dự báo giá dầu sẽ tăng dần từ đây đến hết năm 2023.
Cụ thể, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trung bình của năm 2023 ở mức 95 USD/thùng và có thể tăng lên mức 100 USD/thùng trong năm 2024. Hoặc Citigroup cũng dự báo giá dầu Brent trong năm 2023 có thể đạt 100 USD/thùng.
Giá xăng trong nước ngày mai có khả năng đi xuống
Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động thái từ OPEC+