Thế giới

Ngày 2/4 định mệnh: Ông Trump có thể sẽ tự tay đẩy kinh tế Mỹ vào ‘vòng xoáy’ khủng hoảng?

Thu Bắc 31/03/2025 12:30

Trong báo cáo mới được công bố, Goldman Sachs nhận định: "Chúng tôi tin rằng rủi ro từ các mức thuế công bố ngày 2/4 lớn hơn so với những gì nhiều nhà đầu tư trên thị trường từng nghĩ".

Rủi ro chưa từng có?

Với thời hạn quyết định về vòng thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump sắp đến, Goldman Sachs dự báo rằng mức thuế cao hơn từ Nhà Trắng có thể khiến lạm phát tăng, nhiều người mất việc hơn và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Goldman Sachs dự đoán thuế suất sẽ tăng 15%, một kịch bản mà trước đây ngân hàng này cho là ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, giờ đây điều đó có thể trở thành hiện thực khi ông Trump công bố các biện pháp thuế mới vào ngày 2/4 tới. Dù vậy, Goldman cũng cho rằng việc miễn trừ một số sản phẩm và quốc gia có thể giúp giảm mức tăng thực tế xuống còn 9%.

Goldman Sachs cảnh báo rằng khi các biện pháp thuế mới có hiệu lực, chúng sẽ gây tác động tiêu cực trên diện rộng đến nền kinh tế. Trong báo cáo mới được công bố, ngân hàng này nhận định: "Chúng tôi tin rằng rủi ro từ các mức thuế công bố ngày 2/4 lớn hơn so với những gì nhiều nhà đầu tư trên thị trường từng nghĩ".

Ngày 2/4 định mệnh: Ông Trump có thể sẽ tự tay đẩy kinh tế Mỹ vào ‘vòng xoáy’ khủng hoảng? - ảnh 1
Tổng thống Donald Trump

Lạm phát vượt mục tiêu

Goldman Sachs dự báo lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) sẽ tăng lên 3,5% vào năm 2025, cao hơn 0,5% so với dự báo trước đó và vượt xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Cùng với đó, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng chậm: chỉ 0,2% trong quý đầu tiên và 1% trong cả năm 2025 (tính từ quý IV/2024 đến quý IV/2025), giảm 0,5% so với dự báo trước. Ngoài ra, Goldman cũng nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp lên 4,5%, tăng 0,3% so với ước tính trước đó.

Với những yếu tố trên, Goldman Sachs đã nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới lên 35%, tăng đáng kể so với mức 20% trong dự báo trước đó.

Dự báo này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng "lạm phát đình trệ" (stagflation), tức là tăng trưởng chậm nhưng lạm phát cao. Lần gần nhất Mỹ gặp phải tình trạng này là vào cuối những năm 1970 và đầu thập niên 1980. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang dưới sự lãnh đạo của ông Paul Volcker đã tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, dù điều này khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ba lần cắt giảm lãi suất

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Goldman cho rằng tình huống này sẽ không lặp lại. Thay vì tăng lãi suất như trước đây, họ dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25%, thay vì hai lần như dự báo trước đó.

Goldman Sachs cho biết họ đã điều chỉnh dự báo, thay vì một lần cắt giảm vào năm 2026, Fed có thể thực hiện ba đợt giảm lãi suất liên tiếp trong năm nay vào tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Điều này sẽ đưa lãi suất xuống mức 3,5%-3,75%, so với mức hiện tại 4,25%-4,50%.

Dù chưa có thông tin chính thức về quy mô các mức thuế mới, nhưng theo tờ Wall Street Journal, ông Trump đang thúc đẩy đội ngũ của mình áp thuế cao hơn, có thể lên tới 20% đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ.

Theo CNBC

>> Nóng: Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên tất cả các quốc gia

'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 1970 ám ảnh nền kinh tế Mỹ

‘Chiến trường’ mới trong cuộc đối đầu kinh tế Mỹ-Trung: Siêu cường châu Á quyết triển khai 1.000 dự án để chiếm lĩnh ‘kho báu’ không tưởng

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ngay-24-dinh-menh-ong-trump-co-the-se-tu-tay-day-kinh-te-my-vao-vong-xoay-khung-hoang-139391.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngày 2/4 định mệnh: Ông Trump có thể sẽ tự tay đẩy kinh tế Mỹ vào ‘vòng xoáy’ khủng hoảng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH