Ngôi làng có cả chục căn nhà gỗ quý niên đại 100-200 năm: ‘Lưng tựa núi, mặt hướng sông’, mang dấu tích thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ
Có 12 căn nhà cổ phong cách Bắc Trung Bộ vẫn tồn tại qua thời gian tại ngôi làng này.
Nằm bên bờ sông Mã, làng Đông Sơn là một trong những làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Ngôi làng được bao quanh bởi các dãy núi, rộng gần 4km2, có khoảng 400 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu sinh sống. Điều đặc biệt, làng hiện còn tồn tại 12 ngôi nhà có tuổi đời từ 100 đến 200 năm.
Ngôi làng này cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chỉ khoảng 3km. Làng cổ Đông Sơn ẩn mình bên sườn núi Rồng hùng vĩ, hướng mình ra dòng sông Mã với cây cầu Hàm Rồng anh hùng.
Làng cổ Đông Sơn vẫn gìn giữ được nét đẹp của làng quê vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Báo Thanh Hoá |
Dấu tích còn lại ở làng cổ Đông Sơn chính là các ngõ nhỏ được lát bằng gạch chỉ đỏ. Làng có trục đường chính nằm ở trung tâm và nhiều nhánh nhỏ rẽ vào các hướng, gọi là ngõ xóm cùng hệ thống di tích đình, chùa, miếu, giếng nước cổ kính, với cấu trúc truyền thống của làng quê Bắc bộ.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trước đây, có đến 2/3 số nhà trong làng là nhà gỗ theo kiểu truyền thống: Mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng đá xanh. Các gian chính giữa bài trí bàn thờ, tủ chè, sập gụ, bộ trường kỷ, hè và sân lát gạch.
Những ngôi nhà cổ qua hàng trăm năm vẫn tồn tại. Ảnh: Báo Thanh Hoá |
Nhưng ở thời điểm hiện tại, trong số 306 nóc nhà ở làng Đông Sơn thì hiện chỉ còn 12 nhà gỗ cổ - những căn nhà như những nét chấm đặc biệt trong ngôi làng.
Đặc biệt nổi tiếng nhiều du khách đến thăm là ngôi nhà của gia đình ông Lương Trọng Duệ ở ngõ Trí, được xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước.
Ngôi nhà có lối kiến trúc 5 gian, 2 chái, lợp ngói âm dương. Các vì, kèo, cột gỗ quý được chạm trổ công phu. Năm 2006, ngôi nhà được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Quang cảnh trong ngôi nhà vẫn nguyên vẹn nét cổ kính. Ảnh: Báo Thanh Hoá |
Cách nhà ông Duệ không xa, ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tần (sinh năm 1952, số 10, ngõ Miếu Nhị) có tuổi đời hơn 100 năm. Trải qua thời gian, ngôi nhà nhiều lần bị xuống cấp, đặc biệt là phần mái ngói. Vì vậy gia đình đã tu sửa phần mái ngói nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính của ngôi nhà.
Đặc biệt, tròn 100 năm trước, làng Đông Sơn là địa điểm đầu tiên các nhà khảo cổ đã tìm ra dấu vết của nền văn hóa Đông Sơn - thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ, mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang.
Ngõ Trí ở làng cổ Đông Sơn. Ảnh Internet |
Kể từ sau năm 1954, đất Đông Sơn đã 6 lần được các nhà khoa học tiến hành khai quật khảo cổ học để tìm kiếm những thông điệp lịch sử. Một lượng hiện vật lớn đã được tìm thấy đủ nói lên những tiếng nói về khoa học khảo cổ, đủ để gọi tên một nền văn hóa đánh dấu thời kỳ văn minh của người Việt cổ khởi phát tại vùng đất này.
Một số ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống những di tích Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, phủ Mẫu, miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”... tại làng không chỉ là di tích, trầm tích văn hóa mà còn là gạch nối gắn kết quá khứ và hiện tại.
Những cánh cửa hàng trăm năm không mối mọt. Ảnh: Báo Dân Trí |
Với bề dày của di tích lịch sử và giá trị to lớn của các ngôi nhà cổ, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch hỗ trợ người dân tu sửa, bảo tồn khi hầu hết các ngôi nhà cổ ở địa phương đang dần xuống cấp.