Trong suốt 10 năm chủ đầu tư đã dành nhiều công sức để thuyết phục người chủ nhà ra đi mà không thành công.
Ở Trung Quốc những năm gần đây đã xuất hiện cụm từ “nhà đinh” (nail house) dùng để chỉ những ngôi nhà, tòa nhà không chịu giải tỏa. Những ngôi nhà đinh này không phải là hiếm, nhưng câu chuyện về 1 căn nhà ở Quảng Châu thực sự đã vượt qua trí tưởng tượng của bất kỳ ai.
Ngôi nhà nhỏ bé thuộc diện giải tỏa để xây dựng 1 con đường cao tốc. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm chủ đầu tư đã dành nhiều công sức để thuyết phục người chủ nhà ra đi mà không thành công. Cuối cùng thì chính quyền địa phương đã đưa ra 1 quyết định bất ngờ: giữ nguyên ngôi nhà, đường cao tốc xẻ làm đôi!
Theo truyền thông Trung Quốc, ngôi nhà chỉ rộng 40m2 hiện đang nằm giữa ở chính giữa con đường 2 làn. Một cây cầu dành cho xe máy được xây dựng quanh ngôi nhà. Và kết cục của ngôi nhà khá bi thảm: gần như không có ánh sáng nhưng có rất nhiều tiếng ồn và không khí thì bị ô nhiễm.
Chủ nhà – 1 người phụ nữ tên là Liang – cho biết bà không muốn chuyển đi bởi vì không được đền bù thỏa đáng. Bà Liang được đền bù 2 căn hộ ở dự án tái định cư, nhưng bà từ chối và yêu cầu 4 căn hộ.
Bà Liang là người duy nhất trong số 47 gia đình và 7 công ty thuộc diện giải tỏa từ chối chính sách đền bù và không chịu di dời. Bà khẳng định không có vấn đề gì với tình trạng hiện tại của ngôi nhà và cũng không quan tâm những người khác nghĩ gì về mình. “Mọi người nghĩ môi trường xung quanh rất tệ, nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn yên tĩnh, tự do và thoải mái”.
Chính quyền địa phương cho biết đã khảo sát kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến an toàn. Họ cũng đảm bảo bà Liang có thể tiếp tục sống an toàn trong ngôi nhà nằm giữa đường cao tốc.
Vấn nạn nhà đinh ở Trung Quốc
Những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đô thị hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ đi kèm với làn sóng xây dựng bùng nổ. Hiện tượng “nhà đinh” vì thế cũng trở nên phổ biến. Đó là những ngôi nhà chắn giữa đường hoặc nằm án ngữ trên những mảnh đất trị giá hàng triệu USD, bên cạnh những tòa nhà chọc trời hoành tráng.
Một ví dụ là ngôi nhà 3 tầng kẹp giữa hai khu phức hợp 20 tầng ở trung tâm quận Louhu, thành phố Thâm Quyến ở ảnh trên. Trong khi ở nông thôn, tiền đền bù đất có thể quá rẻ thì ở thành phố đắt đỏ như Thâm Quyến tiền đền bù có thể coi như 1 tấm vẻ đổi đời. Tuy nhiên vẫn có những người cố tình “cắm rễ”, đòi hỏi số tiền cao đến mức phi lý. Vì thế giờ đây ngôi nhà trở nên mục nát, cỏ dại mọc um tùm.
>>Trước khi giải cứu ông lớn số 1, Trung Quốc đã làm những gì để cứu thị trường bất động sản?