Cả thế giới lo bão giá nhưng Trung Quốc lại tiếp tục chìm trong giảm phát

10-11-2023 12:16|Phương Nhi

Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát sau một thời gian ngắn tạm dừng, cho thấy Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi nhu cầu nội địa.

Cả thế giới lo bão giá nhưng Trung Quốc lại tiếp tục chìm trong giảm phát

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 9/11 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 9, CPI tháng 10 không thay đổi.

Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) cũng chỉ tăng 0,6% trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,8% của tháng 9. Điều này cho thấy cuộc chiến chống giảm phát của Trung Quốc còn dai dẳng. Nguy cơ không đạt mục tiêu lạm phát 3% năm nay cũng ngày càng lớn.

Lạm phát yếu chủ yếu là do giá thực phẩm giảm mạnh hơn, tương đương 4% trong tháng 10 so với mức giảm 3,2% trong tháng 9. Giá thịt lợn, món ăn chính trên bàn ăn của người Trung Quốc, đã giảm 30% so với một năm trước do tình trạng dư cung ám ảnh ngành này. Giá hàng hóa không phải thực phẩm tăng 0,7%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 13 liên tiếp, với 2,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này lớn hơn tháng 9 trước đó. Đây là tháng giảm phát thứ 13 liên tiếp, làm dấy lên mối lo ngại rằng nhiều chủ nhà máy đang giảm giá để tranh giành thị phần.

Trái ngược với Mỹ và nhiều nền kinh tế tiên tiến, nơi việc kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương. Trung Quốc đã phải vật lộn để vực dậy lạm phát, bằng chứng mới nhất cho thấy một loạt các biện pháp kích thích cho đến nay vẫn không thể thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng giữa thời kỳ suy thoái. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm.

Áp lực giảm phát đã ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc vào hầu hết các thời điểm trong năm. Quốc gia này đã chứng kiến ​​sự bùng nổ chi tiêu sau khi từ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19, nhưng nó nhanh chóng lụi tàn khi cuộc khủng hoảng tài sản ngày càng sâu sắc.

Cả thế giới lo bão giá nhưng Trung Quốc lại tiếp tục chìm trong giảm phát
Nguồn: WSJ

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu nước này có phải đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy giảm phát nợ hay không. Trong đó, giá cả giảm khiến nợ tăng giá trị thực, khiến người tiêu dùng vỡ nợ và hạn chế chi tiêu.

Lạm phát của Trung Quốc có vẻ sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai gần. Nhưng chúng tôi không nghĩ đất nước sắp bước vào vòng xoáy giảm phát”, các nhà kinh tế từ Capital Economics cho biết.

Một số cảnh báo cho rằng áp lực giảm phát vẫn tiếp tục tồn tại, một phần vì Trung Quốc đang phải vật lộn để xử lý rủi ro ngày càng tăng về năng lực sản xuất dư thừa. Khi các nền kinh tế phương Tây do Mỹ dẫn đầu tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Serena Chu, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia, cho biết Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực giảm phát dài hạn do nhu cầu trong nước có thể không thể đáp ứng được công suất "nhàn rỗi". Bà kỳ vọng CPI của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 0,2% vào cuối năm nay.

Giá cả sụt giảm đã làm mờ đi hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang lấy lại thăng bằng sau khi các hoạt động sụt giảm nghiêm trọng trong mùa hè năm nay.

Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 10, do chính sách thắt chặt ở phương Tây ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng. Các thước đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và xây dựng của đất nước đều suy yếu trong tháng 10 so với một tháng trước đó.

Ngoài việc cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng các yêu cầu mua nhà ở các thành phố lớn, mới đây Trung Quốc còn công bố kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 137 tỷ USD trái phiếu chính phủ mới để hỗ trợ nền kinh tế.

Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privée ở Hồng Kông, cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải cảnh giác cao độ và tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế”. Ông hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất hơn nữa vào tháng 12.

Thị trường Trung Quốc khá im ắng sau số liệu CPI. Chỉ số CSI 300 và chỉ số theo dõi cổ phiếu các công ty chăn nuôi gần như đứng yên. Đồng nhân dân tệ mất giá 0,1% so với USD.

Trong quý III, GDP Trung Quốc tăng vượt dự báo, với 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters là 4,6%. Trước đó, tăng trưởng đạt 4,6% quý I và 6,3% quý II/2023.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,4%, nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh tay của giới chức. Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm hạn chế với việc mua nhà để bình ổn thị trường bất động sản.

Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, đà hồi phục vẫn rất mong manh

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối tuyến liên vận quốc tế Á - Âu từ những ga nào?

Khoảnh khắc xe máy điện Trung Quốc đang di chuyển nổ tung tạo quả cầu lửa giữa giao lộ, người điều khiển bị thương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ca-the-gioi-lo-bao-gia-nhung-trung-quoc-lai-tiep-tuc-chim-trong-giam-phat-210198.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cả thế giới lo bão giá nhưng Trung Quốc lại tiếp tục chìm trong giảm phát
    POWERED BY ONECMS & INTECH