Nơi đây có phòng làm việc của hai vị Đại tướng lừng danh của Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Nhỏ nhắn, giản dị và đơn sơ, nhìn bề ngoài, nhà D67 chỉ là một ngôi nhà nhỏ bình thường, không ai nghĩ đây là Tổng Hành dinh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nơi những mệnh lệnh chỉ đạo của hai cơ quan này được đưa ra để đi đến thắng lợi 30/4/1975.
Suốt nhiều năm, ngôi nhà giản dị nép dưới những lùm cây cổ thụ trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long này đã bảo đảm an toàn cho Bộ Thống soái tối cao (cách gọi để chỉ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh) làm việc, hoạch định chủ trương, chỉ đạo tổ chức thực hiện giai đoạn cuối cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo thông tin của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 1967, để đảm bảo nơi làm việc của cơ quan Tổng Hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Sở chỉ huy, Bộ Quốc phòng tại Hoàng thành Thăng Long (Hành cung thành Hà Nội thời nhà Nguyễn).
Ngôi nhà thiết kế và xây dựng vào năm 1967, được gọi là nhà D67, nay trở thành Di tích lịch sử - cách mạng nhà D67, thuộc Hoàng thành Thăng Long. Công trình có tên đầy đủ là Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, bao gồm nhà D67 và hầm D67.
Nhà D67 có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, phòng làm việc của hai vị Đại tướng lừng danh của Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Phòng Đại tướng Văn Tiến Dũng nằm ở phía Tây căn nhà với diện tích 35m2 được Đại tướng làm việc từ tháng 8/1968-1992. Cũng tại nơi đây, ông đã ký nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phòng nghỉ giải lao nằm giữa phòng họp và phòng làm việc của Đại tướng, là nơi ông nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng giữa các cuộc họp.
Phòng họp có diện tích 76m2 với 4 cửa đối xứng là nơi diễn ra hàng trăm cuộc họp, đưa ra quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở phía Đông căn nhà với diện tích 35m2.
Hầm D67 hay còn gọi là hầm Quân uỷ Trung ương, được xây dựng năm 1967 cùng với nhà D67. Hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Cửa hầm làm bằng thép tấm. Hầm có ba cầu thang lên xuống. Cầu thang phía Nam thông với nhà Con Rồng, hai cầu thang phía Bắc thông với nhà D67. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương khi cần thiết và là phần quan trọng trong kết cấu nhà D67.
Hầm gồm 3 phòng, lớn nhất là phòng trực ban, hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật như bàn làm việc của Bộ Tổng Tham mưu, bản tiêu đồ khổ lớn để định hướng máy bay địch, những bộ điện đàm, điện thoại nối với Phủ Chủ tịch, bảng thông báo tình hình máy bay địch..
Những nhân chứng lịch sử đã từng làm việc tại Thành cổ Hà Nội đã nêu rõ quá trình thiết kế, thi công và đề cao vai trò, chức năng của các công trình hầm Chỉ huy tác chiến, hầm Quân ủy Trung ương (hầm D67) giai đoạn từ năm 1965-1975. Đây là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã làm việc trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Từ Tổng Hành dinh, những mệnh lệnh chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương được gửi đến toàn quân, biến thành hành động cách mạng, thành sức mạnh đoàn kết, làm nên chiến thắng trên khắp các chiến trường.