Ngọn núi 'tứ linh hội tụ' sở hữu quần thể 3 ngôi chùa cổ, là nơi gắn liền với một vụ trấn yểm phong thủy chấn động
Ngọn núi không chỉ có cảnh quan đặc sắc mà còn sở hữu 3 ngôi chùa cổ kính có tuổi đời gần nửa thế kỷ, thu hút đông đảo du khách tham quan.
Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, không ít người có thú vui lên núi Đá Chồng (nằm trên địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) thưởng ngoạn phong cảnh.
Được lựa chọn là điểm xuất hành trong ngày đầu năm bởi nét đẹp, độc đáo, khách lần đầu đến chắc chắn phải ngỡ ngàng trước sự khéo sắp đặt của “bàn tay tạo hóa”. Giữa một vùng đất bằng phẳng, nằm sát biển, bất ngờ nổi lên một ngọn núi với vô số tảng đá đủ các hình thù lớn nhỏ nằm chồng chất lên nhau từ chân núi lên đến đỉnh.
Leo lên đến đỉnh, du khách được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh đồng lúa bao la, xa xa là những mái nhà nhấp nhô của khu thị tứ kéo dài đến tận bờ biển Bình Sơn - Ninh Chữ và bầu trời xanh ngắt.
Một buổi ban mai, khi ánh mặt trời vừa nhô lên từ biển, đứng trên cao ngắm nhìn, núi Đá Chồng hiện lên đẹp tựa như tranh. Vô số hòn đá nhẵn bóng tiếp nhận ánh mặt trời chuyển đổi sắc màu huyền ảo. Người giàu cảm xúc tha hồ tưởng tượng nhưng nhìn tổng thể núi lại giống một con chim Phụng khổng lồ, vì thế, các nhà địa lý xưa còn gọi núi Đá Chồng là Phụng Sơn.
Đặc biệt hơn, kéo dài từ chân núi đến đỉnh núi Đá Chồng là từng tòa kiến trúc cổ kính với tường gạch, mái ngói cong vút của 3 ngôi chùa nổi tiếng ở Ninh Thuận.
Chùa Trùng Khánh
Mỗi cơ sở thờ thờ tự ở núi Đá Chồng đều là những công trình kiến trúc độc đáo. Đầu tiên phải kể đến chùa Trùng Khánh - ngôi chùa cổ nằm ở dưới chân núi. Chùa được xây dựng vào năm 1924 và được trùng tu lại vào năm 1964. Ngôi cổ tự có lối kiến trúc gần giống với chùa Từ Đàm (Huế) và được thiết kế theo hướng nam đón gió biển lồng lộng.
Do được xây dựng bằng gạch thô nên đến nay chùa vẫn còn giữ được nét đẹp cổ kính. Trước chùa có hồ sen lớn, giữa hồ bài trí một tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm để du khách đến đây chiêm bái, tịnh tâm cầu nguyện.
Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Kế đến là Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử với vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tịnh. Thiền viện là nơi du khách thường tìm đến hành hương, viếng Phật. Từ sân nhìn lên bạn sẽ thấy được tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát hiền hoà, từ bi đứng hiên ngang giữa đất trời. Bao năm trôi qua thì đây vẫn là một đức tin được nhiều người gửi gắm niềm tin.
Những tòa kiến trúc nơi đây đều được xây dựng dựa lưng vào núi, mặt cửa hướng về phía biển tạo cho du khách tầm nhìn bao la bát ngát, tâm trí thoáng đãng.
Men theo con đường dốc với khoảng hơn 100 bậc thang cấp ở lưng chừng núi chính là Miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử. Năm 1963, tại đây đã xảy ra sự kiện trấn yểm phong thuỷ "hòn Đá Dao" nổi tiếng của Đệ nhị Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu. Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều người dân Phan Rang biết tường tận về sự kiện đó.
Trùng Sơn Cổ Tự
Nằm trên đỉnh núi là ngôi chùa lớn nhất trong quần thể, đó là Trùng Sơn Cổ Tự. Ngôi chùa được xây dựng bằng đá xanh tự nhiên, cao hơn mực nước biển tầm 60m, đường dẫn lên chùa là 300 bậc thang xây bằng những tảng đá xanh được đục đẽo tỉ mỉ.
Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1973, ban đầu chỉ có một ngôi nhà dùng để thờ phật giản dị. Sau hơn 40 năm mở rộng của 3 đời trụ trì, ngôi chùa này mới có hiện trạng bề thế như hiện nay.
Khi leo đến đây, du khách có thể chiêm ngưỡng cánh đồng bao la xanh mát vây quanh núi, phóng tầm mắt ra xa là biển Ninh Chữ với đường cong tuyệt đẹp, có thể nhìn thấy cả cầu Ninh Chữ ẩn hiện xa xa, cạnh đó là những cánh quạt điện gió Đầm Nại…
Theo người dân địa phương, những tảng đá xanh dùng để xây dựng chùa có sự góp sức rất nhiều của Phật tử và du khách. Vì những ngày đầu xây dựng, lối dẫn vào chùa có biển thông báo: "Quan khách hoan hỉ mang 1-2 viên đá lên phía trên tích công đức xây dựng chùa" và được rất nhiều Phật tử hưởng ứng.