Tài chính Ngân hàng

Ngược chiều xu thế, nhiều ngân hàng tăng trưởng cao - xin nới room tín dụng

Dương Lam 31/10/2023 - 16:23

Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng thấp, một số ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt và xin nới room tín dụng.

tăng trưởng tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại báo cáo trước đó của NHNN, tính cuối tháng 9/2023, tín dụng đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ qua khoảng 25 ngày, tín dụng đã quay đầu giảm 0,11%.

Tín dụng trong tháng 10 sụt giảm, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm.

Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng chậm, một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị tiếp tục được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mới đây cho biết một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt như VPBank, LPBank, Techcombank, HDBank, ACB,... Các ngân hàng này đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành (đến ngày 29/9 là 6,92%).

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) trong quý 3/2023 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tại ngân hàng này đang cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,92% tới cuối tháng 9. Đáng chú ý, tín dụng trong quý 3 ngân hàng này đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…, với khối chiến lược khách hàng cá nhân và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), tính đến cuối tháng 9, tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt ngưỡng 495,4 ngàn tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) cũng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Trong 3 quý đầu năm, LPBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực, đạt tổng dư nợ 263.640 tỷ đồng, tương đương mức tăng 11,8% so với đầu năm.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có dư nợ cấp tín dụng trong 9 tháng đầu năm đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2022.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - Mã: HDB), sau 3 quý, tổng dư nợ hợp nhất đạt 299.081 tỷ đồng tăng trên 11,5% so với đầu năm. Dư nợ ngân hàng mẹ vượt 284.040 tỷ đồng, tăng trên 13%.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của ngân hàng này ghi nhận mức tăng 8,2% so với đầu năm, cao hơn so với tăng trưởng toàn ngành.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng dư thừa tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên bỏ room tín dụng.

Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên chất vấn Thống đốc NHNN về room tín dụng, yêu cầu tiến tới bỏ room tín dụng. Tuy nhiên, năm 2023, cơ chế này vẫn được áp dụng. Thống đốc NHNN cho biết nếu tổ chức tín dụng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thì hệ thống ngân hàng có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011.

Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Năm 2023, NHNN định hướng điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

NHNN đã cấp 2 đợt room tín dụng cho các ngân hàng vào tháng 2/2023 và tháng 7/2023. Việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần một đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, mức độ tập trung tín dụng, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...​

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Mở lối cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen

Khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được 'bơm' vào nền kinh tế năm 2024

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoc-chieu-xu-the-nhieu-ngan-hang-tang-truong-cao-xin-noi-room-tin-dung-208424.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngược chiều xu thế, nhiều ngân hàng tăng trưởng cao - xin nới room tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH