Vĩ mô

Người Brazil muốn uống cafe Việt Nam, người Việt Nam muốn uống cafe Brazil

Thu Hằng 18/11/2024 - 11:19

Thủ tướng cho biết, cafe Brazil thương hiệu số 1 thế giới, cafe Việt Nam đứng thứ 2 về quy mô và chất lượng nhưng "đIểm thú vị là người Brazil muốn uống cafe Việt Nam và người Việt Nam muốn uống cafe Brazil", không cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau.

Tối 17/11 giờ địa phương (sáng 18/11 giờ Việt Nam), nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil với sự tham dự của hơn 100 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Brazil.

thutuong DN1.jpg
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Ảnh: Nhật Bắc

Săm lốp Việt Nam được sự tín nhiệm ngày càng cao của người tiêu dùng Brazil

Ông Mario Scangarelli, Giám đốc cấp cao Phòng Thương mại và công nghiệp Brazil cho biết, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Brazil, kim ngạch thương mại hai nước tăng 8% vào năm 2023 và tiềm năng hợp tác còn rất lớn.

Kỳ vọng hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và Mercosur được ký kết sớm nhất có thể, ông Mario cho rằng đây sẽ là cầu nối kết nối giao thương quan trọng giữa ASEAN và Brazil. Trong đó, các lĩnh vực chiến lược có thể thúc đẩy là bán dẫn, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…

tapdoanhoachat.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết năm 2024, ước kim ngạch thương mại của tập đoàn tại thị trường Brazil đạt trên 90 triệu USD, gấp gần 2 lần so với năm 2021 và được dự báo sẽ tăng trưởng tiếp tục trong những năm tới.

"Các sản phẩm săm lốp mang thương hiệu Cao su Đà Nẵng, Cao su Miền nam đã được sự tín nhiệm ngày càng cao của người tiêu dùng Brazil", ông Tú cho hay.

Không những thế, thông qua mối quan hệ tin cậy, vững chắc với các doanh nghiệp Brazil, Vinachem đã nhận được sự hỗ trợ để mở rộng thị trường sang các quốc gia trong Khối thị trường chung Nam Mỹ.

Nhấn mạnh Brazil là cường quốc nông nghiệp có nhu cầu nhập khẩu phân bón rất lớn và thị trường hàng tiêu dùng ngày càng mở rộng, ông Tú cho biết, Vinachem đang nỗ lực cùng đối tác để có chuyến tàu chở những tấn phân bón chất lượng cao, những container hàng chất tẩy rửa đầu tiên mang thương hiệu của Vinachem sang Brazil ngay trong năm 2024.

Lãnh đạo Vinachem đề nghị Chính phủ Brazil quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về thuế suất đối với các sản phẩm săm lốp cao su, phân bón, hóa chất của Việt Nam góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai nước.

diendan.jpg
Bà Luciana Santos, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và đổi mới Brazil. Ảnh: Nhật Bắc

Bà Luciana Santos, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và đổi mới Brazil cho biết năm ngoái bà đã đến Việt Nam tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và đã thảo luận với lãnh đạo Bộ KH&CN, Vinfast… để thúc đẩy hợp tác.

Bà hy vọng sẽ có trung tâm về bán dẫn giữa Việt Nam và Brazil, với sự tham gia của các tập đoàn tư nhân. Brazil mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ chính sách công trong lĩnh vực khoa học công nghệ bảo tồn sinh học.

Sớm khởi động đàm phán FTA với Mercosur

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo với các doanh nghiệp hai nước tin vui, cuộc hội đàm của ông với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva vừa diễn ra rất thành công. Hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác chiến lược".

Từ nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp này, hợp tác của hai nước rất rộng mở trong nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Brazil có diện tích rất lớn, thị trường có sức mua lớn với dân số hơn 200 triệu người nhưng quan hệ kinh tế còn chưa tương xứng không gian, điều kiện hợp tác và mong muốn của hai bên. Thế mạnh 2 nước là nông nghiệp nhưng không có sự cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau.

thutuong diendan.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng dẫn chứng, cafe Brazil thương hiệu số 1 thế giới, cafe Việt Nam đứng thứ 2 về quy mô và chất lượng nhưng "đIểm thú vị là người Brazil muốn uống cafe Việt Nam và người Việt Nam muốn uống cafe Brazil", không cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau.

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Brazil và doanh nghiệp Brazil sang đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy thương mại song phương; nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Hợp tác với Việt Nam trong khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước. Trong đó ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số...

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế xứng tầm với quan hệ chính trị ngoại giao và mong muốn của hai bên, Thủ tướng cho rằng hai bên cần thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA với Mercosur, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định về thị thực và Brazil xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, kết nối đầu tư, kết nối thương mại, với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vào hợp tác kinh tế sôi động giữa hai nước, với khí thế mới, tầm nhìn mới và mang lại giá trị mới, góp phần biến khát vọng của hai nước trở thành hiện thực, đưa mỗi nước ngày càng phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiệu quả và "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".

>> Thủ tướng: Đưa hợp tác văn hóa Việt Nam - Brazil sang giai đoạn mới

Thủ tướng: Đưa hợp tác văn hóa Việt Nam - Brazil sang giai đoạn mới

Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Brazil phát triển xứng tầm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nguoi-brazil-muon-uong-cafe-viet-nam-nguoi-viet-nam-muon-uong-cafe-brazil-2342978.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người Brazil muốn uống cafe Việt Nam, người Việt Nam muốn uống cafe Brazil
    POWERED BY ONECMS & INTECH