Vĩ mô

Người dân nói gì khi sáp nhập An Giang và Kiên Giang?

Trần Tuyên 28/04/2025 - 07:32

Hầu hết cử tri đồng ý sáp nhập An Giang và Kiên Giang. Bên cạnh đó, một số cử tri băn khoăn sẽ phải mất thời gian đi lại để làm thủ tục giấy tờ. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn về việc này.

Tỉnh An Giang hiện có diện tích hơn 3.500km2 với hơn 2,7 triệu dân, gồm 155 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, địa phương này còn 54 đơn vị (10 phường, 44 xã), giảm hơn 65%.

Sau khi xây dựng đề án, ngày 15/4, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình họp hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của cử tri.

W-tỉnh An Giang.JPG.jpg
Tỉnh An Giang trong tương lai có diện tích hơn 9.888km2, dân số gần 5 triệu người. Ảnh: Trần Tuyên

Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến đối với cử tri đại diện hộ gia đình có đăng ký thường trú trên địa bàn theo từng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.

Kết quả cho thấy, toàn tỉnh có trên 510.000 cử tri đại diện hộ gia đình thuộc 155 xã, phường tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đồng ý so với tổng số cử tri đạt 98,86%; một số xã đạt 100%.

Tuy nhiên, một số cử tri cảm thấy tiếc nuối trước việc đặt tên xã, phường theo phương vị (Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc). Số khác cho rằng nên lựa chọn tên thể hiện đặc trưng vùng đất, như tên di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng…

Lắng nghe ý kiến của người dân, ngày 24/4, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh tên gọi sau sắp xếp một số xã, phường trong đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025 gắn với truyền thống lịch sử của địa phương và không lấy theo phương vị.

Chỉ một ngày sau, 10/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ TP Châu Đốc) khẩn trương lấy ý kiến nhân dân. Qua thống kê, có gần 310.000 cử tri thuộc 33 xã, phường, thị trấn tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ đồng thuận đạt 99,52%.

Theo UBND tỉnh An Giang, việc sắp xếp ĐVHC tuy bước đầu có làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương, đời sống nhân dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Không thu phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người chuyển đổi giấy tờ

Tỉnh An Giang cũng tổ chức lấy ý kiến của gần 515.000 cử tri về việc sáp nhập An Giang và Kiên Giang. Kết quả bỏ phiếu cho thấy 99,01% cử tri đồng ý.

Một số cử tri băn khoăn khi hợp nhất 2 tỉnh, người dân sẽ phải mất thời gian đi lại để làm thủ tục cập nhật thông tin các loại giấy tờ liên quan.

Nắm bắt được tình hình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về việc sẽ không thu phí, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ. Đến nay, toàn thể cử tri trên địa bàn đều thống nhất cao với chủ trương sắp xếp ĐVHC của Đảng, nhà nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc hợp nhất 2 tỉnh nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững…

Nghị quyết 60 của hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố.

Trong đó, thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất An Giang và Kiên Giang, diện tích hơn 9.888km2, dân số gần 5 triệu người. Trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay. Sau sắp xếp, tỉnh mới có 102 ĐVHC cấp cơ sở (85 xã, 14 phường và 3 đặc khu).

>> Tỉnh lớn nhất ĐBSCL sau sáp nhập sẽ sở hữu địa hình đa dạng, tiềm năng phát triển toàn diện hiếm có

Thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam dự kiến sẽ có 2 địa điểm làm việc cho cán bộ sau sáp nhập

Tỉnh dự kiến sáp nhập với thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có đặc khu sau sắp xếp

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-noi-gi-khi-sap-nhap-an-giang-va-kien-giang-2395803.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người dân nói gì khi sáp nhập An Giang và Kiên Giang?
    POWERED BY ONECMS & INTECH