Người lính Việt Nam duy nhất của Hồng quân Liên Xô sống đến Ngày Chiến thắng, được Bác Hồ đích thân đặt tên
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống quân xâm lược, một nhóm người Việt Nam đã tình nguyện tham gia.
Những chiến sĩ Việt Nam dưới bầu trời Moscow
Năm 2016, Sputnik tiếng Việt đăng bài viết "Tưởng nhớ các chiến sĩ Hồng quân người Việt vào Ngày Chiến thắng", nhân dịp kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít.
Theo bài viết, vào đầu tháng 10/1941, thủ đô Moscow đứng trước hiểm họa lớn khi phát xít Đức huy động lực lượng hùng hậu với hơn hai triệu binh sĩ, 14.000 khẩu pháo, 2.000 xe tăng và 1.500 máy bay áp sát thành phố, chỉ còn cách chưa đầy 20km. Trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh "xóa sổ" Moscow, biến nơi đây thành "một cái hố khổng lồ".

Trước tình hình nguy cấp, các sư đoàn tinh nhuệ được điều động bảo vệ Thủ đô. Chỉ sau 4 ngày kể từ khi chiến sự bùng nổ, Lữ đoàn Motor Cơ động Đặc nhiệm (OMSBON) được thành lập. Trong lực lượng này có sự tham gia của các chiến sĩ người Việt: Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh và Lý Thúc Chất – những thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ Quảng Đông sang Liên Xô học tập vào năm 1926.
Đơn vị của họ trực tiếp chiến đấu bảo vệ thủ đô Moscow, tại khu vực nay là đường dẫn tới sân bay quốc tế Sheremetyevo. Hiện nay, một tượng đài lớn đã được dựng lên tại đây, tái hiện "hàng rào lông nhím chống tăng" – ghi nhớ công lao của lực lượng anh hùng này.
Một người Việt khác phục vụ trong Hồng quân là ông Lý Phú San. Dù không trực tiếp chiến đấu mà công tác tại một quân y viện ở Moscow, ông đã nhiều lần hiến máu để cứu chữa các chiến sĩ Hồng quân bị thương.
Dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng phát xít Đức, chính quyền Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất cho 5 chiến sĩ Việt Nam nói trên.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục công bố thêm 2 chiến sĩ Hồng quân gốc Việt là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông, những người cũng từng chiến đấu trong lữ đoàn OMSBON cho đến cuối năm 1942. Tuy nhiên, thông tin về thời điểm và địa điểm 2 người hy sinh đến nay vẫn chưa được xác định rõ.

Năm 2020, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đề nghị phía Việt Nam phối hợp rà soát và cung cấp thêm thông tin về các chiến sĩ tình nguyện quốc tế người Việt từng tham gia bảo vệ Moscow trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Mục đích là để bổ sung dữ liệu vào Bảo tàng “Con đường ký ức” thuộc Nhà thờ chính Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, tọa lạc tại Công viên Patriot.
Tại đây, cụm tượng gồm 3 bức tượng do nhà điêu khắc Alexey Chebanenko sáng tác đã được đặt tên là "Các đồng minh – Chiến sĩ Việt Nam", khắc họa hình ảnh các chiến sĩ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất trong trang phục Hồng quân Liên Xô, chiến đấu kiên cường tại vị trí phòng thủ ở ngoại ô Moscow.
Người lính Việt Nam duy nhất còn sống đến Ngày Chiến thắng
Trong số 7 chiến sĩ Việt Nam từng phục vụ trong Hồng quân Liên Xô, ông Lý Phú San là người duy nhất sống sót cho đến ngày kết thúc chiến tranh (9/5/1945).
Tên thật của ông là Lê Tư Lạc (hay còn gọi là Lê Phan Chấn), sinh ngày 1/6/1900 tại Tân Ước, Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội). Tên gọi Lý Phú San được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông.

Từ năm 1917, ông rời quê lên Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn, rồi sang Phnom Pênh. Tại đây, ông làm thuê cho một bác sĩ người Pháp và theo chủ sang Paris vào năm 1924, nơi ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
Đầu những năm 1930, ông được cử đi học tại Trường Đại học Cộng sản dành cho những người lao động phương Đông ở Moscow. Sau đó, ông làm công nhân tại xưởng đầu máy đường sắt ở Gomel và đến năm 1937 trở lại Moscow làm việc tại một viện quân y.
Khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, ông tình nguyện nhập ngũ nhưng do vấn đề sức khỏe nên được bố trí làm việc tại một bệnh viện quân y ở Moscow. Tại đây, ông chăm sóc thương binh Hồng quân, phục vụ tại các trạm phòng không, sau đó làm việc tại một nhà máy ở vùng Ural – góp phần vào thắng lợi của Liên Xô.

Sau khi giải ngũ, ông tiếp tục làm việc tại một xí nghiệp quốc phòng ở miền Đông Liên Xô. Năm 1956, ông trở về Việt Nam và qua đời năm 1980.
Năm 1986, theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô, ông được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất vì những đóng góp trong các trận đánh tại ngoại ô Moscow, cùng Huy chương 40 năm Chiến thắng và Huy hiệu của Lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt.
Hiện nay, tro cốt của ông cùng người vợ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Krasnogorsk, ngoại ô Moscow – nơi đã trở thành quê hương thứ hai, lưu giữ mãi câu chuyện về một người lính gốc Việt kiên cường dưới bầu trời nước Nga.