Người Mỹ học cách chi tiêu dè sẻn
Các nhà kinh tế cho biết, tình hình lạm phát ở Mỹ, vốn đã ở mức cao đáng kể trong 3 năm qua, hiện đang có xu hướng giảm chủ yếu là do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng nước này.
Một số công ty lớn nhất của Mỹ, trong đó có Amazon, Disney hay Yum Brands, cho biết khách hàng của họ ngày càng tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ thay thế với giá thành phải chăng và có tính chọn lọc hơn khi mua hàng. Chính sự thay đổi trong thói quen chi tiêu này buộc các công ty phải điều chỉnh hoặc thậm chí cắt giảm mức tăng giá, góp phần làm giảm lạm phát.
Theo các nhà nghiên cứu, việc cắt giảm chi tiêu này không đủ để gây ra suy thoái kinh tế. Thay vào đó, thị trường dường như đang quay trở lại các chuẩn mực trước đại dịch, khi hầu hết các công ty cảm thấy không thể vừa tăng giá nhiều mà vẫn giữ được chân khách hàng.
Người tiêu dùng nhạy cảm hơn với giá cả giúp giải thích lý do tại sao lạm phát dường như đang giảm dần về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), chấm dứt giai đoạn giá cao làm lu mờ triển vọng của về nền kinh tế.
Các yếu tố khác cũng đã góp phần kiềm chế lạm phát, trong đó có việc phục hồi chuỗi cung ứng, điều đã giúp cải thiện và thúc đẩy tính khả dụng của nhiều loại hàng hóa như xe cộ và đồ gia dụng. Ngoài ra, lãi suất cao do Fed áp dụng cũng đã làm giảm nhu cầu mua các mặt hàng như nhà hay ôtô.
Mặc dù lạm phát có xu hướng tích cực, vẫn có những lo ngại về tác động tiềm tàng của việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng đối với nền kinh tế. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm gần 70% hoạt động kinh tế, do đó, việc thị trường “hạ nhiệt” đáng kể có thể gây ra rủi ro cho sự ổn định, thậm chí làm chệch hướng kinh tế. Sự biến động gần đây của thị trường chứng khoán đã phản ánh những lo ngại này, mặc dù thị trường đã phục hồi kể từ đó.
Tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ cập nhật thông tin về lạm phát và xu hướng tiêu dùng. Cụ thể, ngày 14/8, chính phủ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng cho tháng 7. Dự kiến giá cả - không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng biến động, chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 3,3% của tháng 6 và sẽ là mức lạm phát theo năm thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Ngày 15/8, chính phủ cũng sẽ công bố báo cáo doanh số bán lẻ của tháng trước, dự kiến sẽ tăng 0,3% so với tháng 6, cho thấy dù người Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiêu dù có thận trọng hơn. Các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh theo các xu hướng tiêu dùng này bằng cách cung cấp nhiều chiết khấu hơn và chú ý tới khả năng chi trả của khách hàng.
Sách Beige về kinh tế Mỹ do Fed công bố tháng trước đã đề cập đến các xu hướng như các nhà bán lẻ giảm giá các mặt hàng, hoặc người tiêu dùng nhạy cảm về giá chỉ mua các mặt hàng thiết yếu, giảm yêu cầu chất lượng, mua ít mặt hàng hơn hoặc tìm kiếm mức giá tốt nhất trên thị trường./.
>> Siêu cường ‘đảo ngược’: Mỹ đang ‘âm thầm’ vực dậy hàng loạt nền kinh tế châu Âu
Chuyên gia: Cú sập mới nhất của TTCK là một ‘điềm báo’, kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ lớn
Quốc gia châu Á bùng nổ, được coi là 'hầm trú ẩn' nếu kinh tế Mỹ suy thoái