Siêu cường ‘đảo ngược’: Mỹ đang ‘âm thầm’ vực dậy hàng loạt nền kinh tế châu Âu
Trên khắp miền Nam châu Âu, du khách người Mỹ đã tạo ra sự bùng nổ du lịch chưa từng có. Điều này đã thúc đẩy đà tăng trưởng cho những nơi vốn từng là biểu tượng của nền kinh tế trì trệ, kéo theo là tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và lấp đầy Kho bạc của các Chính phủ.
Ở Lisbon, Bồ Đào Nha, các khách sạn và nhà hàng nằm dọc những con đường lát đá cuội quanh co đang hoạt động kinh doanh tốt đến mức Thị trưởng Carlos Moedas gần đây đã cắt giảm thuế thu nhập địa phương cho người dân. Với mức tăng trưởng kinh tế 8,2% vào năm ngoái và doanh thu thuế tăng 20% so với thời kỳ trước đại dịch, ông cũng đã miễn phí giao thông công cộng cho trẻ em và người già.
Giá phòng trong thành phố cũng đang tăng lên và làn sóng đầu tư du lịch bùng nổ. Gonçalo Dias, Giám đốc và đồng sở hữu của Ivens, một khách sạn có phòng trị giá 1.000 USD một đêm ở trung tâm thành phố Lisbon, cho biết hơn một nửa số lượng người đặt phòng của khách sạn ông là người Mỹ. “Đây là thời gian tuyệt vời. Khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong 45 năm qua. Thật điên rồ”, ông cảm thán.
Gonçalo Dias, Giám đốc và đồng sở hữu của Ivens, một khách sạn có phòng trị giá 1.000 USD một đêm ở trung tâm thành phố Lisbon |
Cơn sốt Địa Trung Hải
Trên khắp miền Nam châu Âu, du khách người Mỹ đã tạo ra sự bùng nổ du lịch chưa từng có. Điều này đã thúc đẩy đà tăng trưởng cho những nơi vốn từng là biểu tượng của nền kinh tế trì trệ, kéo theo là tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và lấp đầy Kho bạc của các Chính phủ - vốn đang bị “lung lay” bởi nỗi lo nợ công thời gian gần đây.
“Cơn sốt Địa Trung Hải” này đang làm thay đổi lịch sử kinh tế gần đây của châu Âu. Trong những năm 2010, Đức và các nền kinh tế thiên về sản xuất khác đã giúp lục địa này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nhờ xuất khẩu ô tô và tư liệu sản xuất tăng mạnh, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Ngày nay, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đóng góp từ 1/4 đến một nửa mức tăng trưởng hàng năm của khối. Trong khi nền kinh tế Đức đang đi ngang thì Tây Ban Nha lại là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất châu Âu. Đáng chú ý, gần 3/4 mức tăng trưởng gần đây của đất nước này và 1/4 số việc làm mới có liên quan đến du lịch. Hay ở Hy Lạp, có tới 44% tổng số việc làm liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Các nền kinh tế Nam Âu phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhanh hơn Đức |
Động lực kinh tế mới
Người Mỹ gần đây đã vượt qua người Tây Ban Nha để trở thành nhóm khách du lịch nước ngoài đông nhất tại Bồ Đào Nha.
Khi đến thăm Bồ Đào Nha lần đầu tiên, Chiến lược gia chính trị Ameshia Cross cho biết: “Đối với người Mỹ hiện nay, đây là nơi để đến, theo nghĩa đen”. Ông cho rằng đồng USD mạnh mẽ và sự phục hồi rõ rệt sau đại dịch Covid-19 đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người Mỹ. Bây giờ họ thấy rằng mình có đủ khả năng chi trả cho một kỳ nghỉ xa hoa ở châu Âu.
Đồng USD mạnh mẽ và sự phục hồi rõ rệt sau đại dịch Covid-19 đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người Mỹ. Bây giờ họ thấy rằng mình có đủ khả năng chi trả cho một kỳ nghỉ xa hoa ở châu Âu |
Du lịch hiện tạo ra 1/5 sản lượng kinh tế ở Lisbon và hỗ trợ 1/4 số việc làm. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội của Bồ Đào Nha đã tăng gần 8% từ năm 2019 đến năm 2024, so với mức dưới 1% của Đức.
Chính phủ nước này đã ghi nhận mức thặng dư ngân sách hiếm hoi ở mức 1,2% GDP vào năm ngoái và tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến sẽ giảm xuống 95% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Dân số Bồ Đào Nha cũng đang tăng trưởng trở lại sau nhiều năm suy giảm. Moedas, Thị trưởng Lisbon, cho biết vẫn còn dư địa để phát triển hơn nữa.
Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 1/3 tổng số USD thu được từ du lịch quốc tế - hơn nửa nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Con số này tăng gần gấp ba lần trong hai thập kỷ và cao hơn nhiều so với khoảng 150 tỷ USD của Mỹ, nơi ngành du lịch phục hồi chậm hơn.
Vẫn có khó khăn
Đối với Gonçalo Hall, một nhân viên công nghệ 36 tuổi, dòng tiền nước ngoài đổ vào đã biến đổi Lisbon và mang lại lợi ích to lớn cho thành phố. Mặc dù vậy, sự bùng nổ du lịch cũng đã gây ra những bất lợi cho anh và những người dân địa phương khác - trong đó tác động trực tiếp nhất là chi phí sinh hoạt tăng cao.
“Chất lượng cuộc sống ở Lisbon không tương xứng với giá cả. Ngay cả những người nước ngoài cũng đang rời đi,” Hall, người đã chuyển đến đảo Madeira ở Đại Tây Dương trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 và tiếp tục làm việc từ xa, cho biết.
Một nhân viên người Bồ Đào Nha trung bình kiếm được khoảng 1.000 euro một tháng sau thuế, hoặc khoảng 1.100 USD một tháng và chỉ 2% kiếm được hơn 2.000 euro. Nhưng một căn hộ một phòng ngủ ở Lisbon có thể dễ dàng có giá hơn 500.000 euro khi mua hoặc hơn 1.200 euro một tháng khi thuê. Giá thuê ở các thành phố lân cận cũng đã tăng lên.
Jessica Ribeiro, một nhà xã hội học 35 tuổi và chồng cũ đã trả khoảng 490 euro mỗi tháng cho một căn hộ ở một thị trấn gần Lisbon. Cả hai đều không đủ khả năng để rời đi. Ribeiro cho biết cả hai đều kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu 820 euro một tháng nhưng giá thuê tăng vọt đồng nghĩa với việc họ không thể tìm được một căn hộ trong khu vực lân cận với giá dưới 700 euro.
Jessica Ribeiro, một nhà xã hội học 35 tuổi cho rằng tác hại mà du lịch mang lại lớn hơn rất nhiều so với lợi ích |
Ribeiro nói: “Tác hại mà du lịch mang lại lớn hơn rất nhiều so với lợi ích. Nó khiến mọi người rời xa nơi làm việc, khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn nhiều”. Người dân thường xuyên phàn nàn rằng một số người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc bùng nổ du lịch là các công ty Mỹ, từ Airbnb đến Uber.
Ý kiến trái chiều
Một số nhà kinh tế và những người khác lo ngại du lịch phát triển có thể làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế hiện tại của châu Âu. Việc phục vụ người nước ngoài khó mở rộng quy mô và dễ gặp phải những khó khăn kinh tế hơn.
Dẫu vậy, Marcos Carias, Nhà kinh tế của công ty bảo hiểm Coface, Pháp cho biết đối với các nhà hoạch định chính sách của châu Âu, việc yêu cầu mọi người mở khách sạn hoặc nhà hàng dễ dàng hơn việc khuyến khích họ xây dựng ngành sản xuất tiên tiến, vốn thâm dụng vốn và mất nhiều thời gian để hoàn vốn.
Những người ủng hộ cho rằng du lịch thu hút vốn đến các vùng nghèo và có thể đóng vai trò là cơ sở để xây dựng một nền kinh tế đa dạng hơn. Thị trưởng Moedas của Lisbon cho biết ông đang cố gắng tận dụng dòng du khách nước ngoài để xây dựng các lĩnh vực như văn hóa và công nghệ, bao gồm cả việc phát triển các hội nghị và sự kiện văn hóa.
Tại Athens, Thị trưởng Haris Doukas cho biết ông đang nỗ lực kéo dài mùa du lịch, tăng thời gian lưu trú trung bình và thúc đẩy các loại hình du lịch cụ thể như tổ chức hội nghị, gặp gỡ kinh doanh để thu hút du khách có sức chi hơn. Ông cũng kêu gọi áp dụng các loại thuế mới để giúp thành phố đón thêm hàng triệu khách du lịch đổ về.