Người phụ nữ Việt Nam duy nhất được lấy tên để đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời: Nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27, từng là giảng viên Harvard
Bà từng nhận 2 giải thưởng cao quý được ví như Nobel của lĩnh vực thiên văn học.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng là một trong những nữ giáo sư gốc Việt tiêu biểu trên thế giới, có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Bà nổi tiếng với những thành tựu xuất sắc trong vật lý thiên văn, đặc biệt là việc phát hiện vành đai Kuiper góp phần thay đổi nhận thức của giới khoa học về sự hình thành của Hệ Mặt Trời.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 tại Sài Gòn (nay là TP.HCM), quê gốc Hải Phòng. Năm 1975, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư. Niềm đam mê thiên văn học đến với bà một cách tình cờ khi có dịp tham quan Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) tại Pasadena. Những hình ảnh vũ trụ kỳ vĩ do các phi thuyền gửi về đã cuốn hút bà, thôi thúc bà theo đuổi ngành thiên văn.
![Người phụ nữ Việt Nam duy nhất được lấy tên để đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời: Nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27, từng là giảng viên Harvard - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_13-_luu_le_hang_1_xfod.jpeg)
Bà tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Đại học Stanford năm 1984, tiếp tục học thạc sĩ tại Đại học California, Berkeley và nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể vào năm 1990 tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Năm 1987, giáo sư Lưu Lệ Hằng cùng người thầy của mình là giáo sư David Jewitt bắt đầu nghiên cứu giả thuyết về vành đai Kuiper. Trước đó, nhà thiên văn học Gerard Kuiper từng đưa ra nhận định về sự tồn tại của một vành đai vật chất nằm ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương, nhưng giả thuyết này không nhận được nhiều sự đồng thuận từ giới khoa học, bởi phần lớn cho rằng rìa Hệ Mặt Trời hoàn toàn trống rỗng.
Để chứng minh điều ngược lại, bà đã dành nhiều năm nghiên cứu tại đài quan sát Mauna Kea (Hawaii), nơi đặt kính thiên văn tối tân trên đỉnh núi lửa cao gần 4.000m. Môi trường làm việc khắc nghiệt với không khí loãng và áp suất thấp không làm bà chùn bước. Sau nhiều năm phân tích dữ liệu, đến ngày 30/8/1992, bà cùng giáo sư Jewitt phát hiện thiên thể đầu tiên thuộc vành đai Kuiper, xác nhận giả thuyết từng bị xem là hoang đường.
Phát hiện này đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, thúc đẩy giới thiên văn đổ xô tìm kiếm các thiên thể khác. Tính đến nay, hơn 1.500 vật thể thuộc vành đai Kuiper đã được xác định, giúp làm sáng tỏ quá trình hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt Trời.
Từ năm 1994, bà bắt đầu giảng dạy tại Đại học Harvard, sau đó chuyển sang công tác tại Đại học Leiden (Hà Lan). Không chỉ nổi danh trong ngành thiên văn, bà còn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có vai trò chuyên gia kỹ thuật tại Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
![Người phụ nữ Việt Nam duy nhất được lấy tên để đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời: Nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27, từng là giảng viên Harvard - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_13-_luu_le_hang_2_crfe.jpeg)
Với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thiên văn, giáo sư Lưu Lệ Hằng đã được trao nhiều giải thưởng danh giá. Bà từng nhận Giải thưởng Annie J. Cannon của Hiệp hội Thiên văn Mỹ. Năm 2012, bà vinh dự nhận Giải thưởng Kavli tại Na Uy và Giải Shaw Thiên văn học – hai giải thưởng được ví như "Nobel Thiên văn học" của phương Đông và phương Tây. Bên cạnh đó, để ghi nhận những đóng góp của người phụ nữ gốc Việt cho thiên văn thế giới, tên bà được đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.
Dù đạt được những thành tựu vang dội trên trường quốc tế, Giáo sư Lưu Lệ Hằng vẫn luôn tự hào là một người con của đất Việt. Bà không ngừng bày tỏ tình yêu sâu sắc với quê hương và mong muốn truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê khoa học trong cộng đồng.
Năm 2015, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, bà trở về nước và có những chia sẻ đầy ý nghĩa, truyền động lực cho thế hệ trẻ. Bà nhấn mạnh: “Việt Nam rất đẹp… nên giữ gìn vẻ đẹp của đất nước” và khẳng định trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường: “Đất đai là chúng ta mượn của con cháu, nên chúng ta phải giữ gìn cho con cháu”…
Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực thiên văn, Giáo sư Lưu Lệ Hằng không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng khoa học quốc tế mà còn là biểu tượng cho ý chí và trí tuệ Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới.