Xã hội

Giáo sư gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Viện Ung thư Quốc gia Mỹ: Nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới, cha là bác sĩ phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam

Vĩ Hạ 02/10/2024 16:02

Ông nổi tiếng thế giới và được coi là người tiên phong về nghiên cứu liên ngành giữa sinh học và ung thư.

Giáo sư Đặng Văn Chí từng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig... Ông được biết đến là một nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu ung thư, đồng thời là chuyên gia huyết học - ung thư học danh tiếng toàn cầu. Công trình nghiên cứu của ông tập trung vào tế bào ung thư và di truyền, đặc biệt là cách tế bào ung thư sử dụng năng lượng.

Giáo sư Đặng Văn Chí. Ảnh: Wistar Institute

Giáo sư Đặng Văn Chí. Ảnh: Wistar Institute

Giáo sư Đặng Văn Chí cũng được coi là người tiên phong trong nghiên cứu liên ngành giữa sinh học và ung thư. Các nghiên cứu của ông tập trung tìm hiểu cách mà tế bào ung thư thay đổi quá trình trao đổi chất, thông qua các thí nghiệm về glucose - một loại đường quan trọng trong cơ thể con người.

Nghiên cứu của ông đã giúp giải thích một đặc điểm của bệnh ung thư, gọi là "Hiệu ứng Warburg", đồng thời khơi lại hướng nghiên cứu về một khía cạnh tiềm ẩn của sinh học ung thư. Các liệu pháp dựa trên công trình này hiện đang được phát triển trong các giai đoạn lâm sàng.

Bước ngoặt bắt nguồn từ gia đình

Sinh ra tại TP. HCM vào năm 1954, Giáo sư Đặng Văn Chí lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em. Cha của ông - Đặng Văn Chiếu, là bác sĩ phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam và từng là Trưởng khoa của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.

Giáo sư Đặng Văn Chí cùng bố mẹ và các anh chị em. Ảnh: Sưu tầm

Giáo sư Đặng Văn Chí cùng bố mẹ và các anh chị em. Ảnh: Sưu tầm

Giáo sư Chí luôn coi cha mình là tấm gương để noi theo và nỗ lực tiến tới vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Y học hàn lâm. Cái chết của cha vì ung thư gan vào năm 2004 đã trở thành động lực mạnh mẽ khiến ông mong muốn phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho căn bệnh này.

Gia đình cũng là yếu tố góp phần định hình bước ngoặt trong sự nghiệp của ông, khiến ông quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu về tuần hoàn sinh học. Ông dành gần 25 năm giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins, đảm nhiệm vị trí Phó khoa nghiên cứu của trường - một nơi mà ông từng nghĩ sẽ không bao giờ rời đi. Nhưng khi anh trai qua đời vì ung thư di căn mô mềm, ông nhận ra cần phải làm nhiều hơn nữa trong vai trò của một bác sĩ chuyên khoa ung thư.

Từ trái qua: Giáo sư Đặng Văn Chí, người anh Đặng Văn Chức và Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Chiếu năm 1969. Ảnh: NVCC

Từ trái qua: Giáo sư Đặng Văn Chí, người anh Đặng Văn Chức và Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Chiếu năm 1969. Ảnh: NVCC

Chính vì vậy, khi Đại học Pennsylvania mời ông làm Giám đốc Trung tâm Ung thư, ông đã nhận lời. Đây là trung tâm từng phát hiện nhiễm sắc thể bất thường có thể gây ung thư và phát triển liệu pháp tế bào T - một liệu pháp cứu sống con người.

Đại học Pennsylvania là nơi quy tụ nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu về nhịp sinh học, tại đây, Giáo sư Chí có cơ hội trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu đồng hồ sinh học. Ông nhận ra rằng: Nếu ung thư là căn bệnh của sự phát triển tế bào, còn nhịp sinh học kiểm soát chu kỳ tế bào thì sự gián đoạn của đồng hồ sinh học bên trong là yếu tố còn thiếu trong việc nghiên cứu sự phát triển và tăng trưởng của khối u.

Những năm gần đây, Giáo sư Đặng Văn Chí tập trung nghiên cứu gene ung thư MYC - liên quan đến việc ngăn chặn gene trung tâm của đồng hồ sinh học, như BMAL1. Gene này làm nhiễu loạn các chu kỳ dao động bình thường của các phân tử bên trong tế bào và đẩy quá trình tổng hợp protein vào trạng thái bất thường, dẫn đến sự phát triển liên tục của khối u.

Phát hiện này mở ra tiềm năng phát triển một loại thuốc điều trị mới, hiện đang được Trung tâm Ung thư Trẻ em Texas nghiên cứu. Năm 2017, trung tâm đã báo cáo về một loại thuốc có khả năng kích thích hoạt động của BMAL1, giúp giảm sự phát triển của u neuroblastoma - một loại mô thần kinh - trong cả nuôi cấy tế bào và mô hình thử nghiệm trên chuột.

Giáo sư Đặng Văn Chí cũng quan tâm đến nhóm thuốc hướng đích vào NAMPT - một enzyme liên quan đến chuyển hóa ung thư và vòng phản hồi sinh học. Cách đây 10-20 năm, một số chất ức chế NAMPT đã được thử nghiệm lâm sàng, nhưng đều gặp phải tác dụng phụ gây giảm tiểu cầu ở bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu của ông phát hiện rằng việc sử dụng các loại thuốc này vào thời điểm 10 giờ hoặc 18 giờ trong ngày có thể làm giảm sự phát triển của khối u nhưng có sự khác biệt quan trọng. Khi dùng thuốc vào lúc 18 giờ, khi biểu hiện NAMPT rõ rệt nhất ở gan, việc điều trị gây ra hiện tượng giảm tiểu cầu ở chuột, trong khi sử dụng vào 10 giờ thì không gây ra hiện tượng này.

Giáo sư Đặng Văn Chí tin rằng liệu pháp chronotherapy (liệu pháp theo nhịp sinh học) có thể cứu vãn nhóm thuốc điều trị ung thư đầy triển vọng này.

Nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về ung thư

Sau khi đến Mỹ vào năm 1967, ông Đặng Văn Chí hoàn thành bằng Cử nhân Hóa học tại Đại học Michigan vào năm 1975, tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ Hóa học tại Đại học Georgetown năm 1978 và nhận thêm một bằng Tiến sĩ khác từ Đại học Johns Hopkins vào năm 1982.

Tại Đại học California (San Francisco), ông tiến hành nghiên cứu sinh trong lĩnh vực huyết học - ung thư và bắt đầu nghiên cứu về gen MYC, một loại gen có vai trò quan trọng trong các công trình y học của ông sau này.

Giáo sư Đặng Văn Chí cùng các cộng sự. Ảnh: Sưu tầm

Giáo sư Đặng Văn Chí cùng các cộng sự. Ảnh: Sưu tầm

Sau một thời gian giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins, Giáo sư Đặng Văn Chí trở thành Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Giám đốc Viện Kỹ thuật Tế bào của trường này (năm 2021, Đại học Johns Hopkins xếp thứ 12 trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới).

Từ năm 2002-2003, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Lâm sàng Mỹ. Đến năm 2011, ông chuyển sang làm việc tại Trung tâm Ung thư Abramson thuộc Đại học Pennsylvania và trở thành Giám đốc của trung tâm này. Cũng trong thời gian đó, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, một trong những tổ chức lâu đời và có tầm ảnh hưởng nhất tại quốc gia này, được thành lập từ năm 1780 bởi các nhà lãnh đạo cách mạng Mỹ.

Năm 2017, Giáo sư Đặng Văn Chí nhận chức Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, nơi quy tụ các nhà nghiên cứu quốc tế với mục tiêu ngăn ngừa và kiểm soát ung thư, với 6 trung tâm tại Mỹ và 2 văn phòng đại diện ở châu Âu. Tại đây, ông trực tiếp giám sát chiến lược khoa học nhằm thúc đẩy các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư của "Chương trình nghiên cứu về tế bào ung thư và phân tử" tại Viện Wistar.

Năm 2018, ông trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ung thư - một ấn phẩm khoa học được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ xét duyệt và xuất bản hai tuần một lần.

Giáo sư Đặng Văn Chí sau buổi thuyết trình khai mạc chương trình Tiến sĩ của Đại học Pavia, Italy hồi tháng 12/2017. Ảnh: Università di Pavia

Giáo sư Đặng Văn Chí sau buổi thuyết trình khai mạc chương trình Tiến sĩ của Đại học Pavia, Italy hồi tháng 12/2017. Ảnh: Università di Pavia

Tháng 7/2019, với vai trò Trưởng Cố vấn Khoa học cho Quỹ Grey (một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục và phát triển), Giáo sư Chí giám sát dự án tài trợ trị giá 25 triệu USD của quỹ này cho phương pháp tiếp cận mới nhằm phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư vú (BRCA).

Đầu năm 2022, Giáo sư Đặng Văn Chí trở về Việt Nam để tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học VinFuture, nơi mà ông giữ vai trò là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Giáo sư Đặng Văn Chí trong một buổi làm việc tại VinBigdata. Ảnh: Trọng Tùng

Giáo sư Đặng Văn Chí trong một buổi làm việc tại VinBigdata. Ảnh: Trọng Tùng

Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách, hơn 250 bài báo và chương sách về khoa học và y học, với khoảng 60.814 trích dẫn khoa học trên Google Scholar.

>> Tiến sĩ 9x người Việt được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ vinh danh: Đặc cách học thẳng lên Tiến sĩ, 3 lần gặp cựu Tổng thống Obama

Loại lá mọc đầy bờ ao ăn sống hay uống nước đều giúp mát gan, hạ đường huyết, hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Nhà khoa học Việt Nam tìm ra chất ức chế tế bào ung thư trong hạt gạo

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/giao-su-goc-viet-duoc-bau-lam-chu-tich-hoi-dong-co-van-vien-ung-thu-quoc-gia-my-nha-nghien-cuu-ung-thu-hang-dau-the-gioi-cha-la-bac-si-phau-thuat-than-kinh-dau-tien-cua-viet-nam-d134601.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giáo sư gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Viện Ung thư Quốc gia Mỹ: Nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới, cha là bác sĩ phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH