Người trẻ đang mạnh tay chi tiêu cho du lịch ở mức nào?
Người trẻ thế hệ Millennial và Gen Z khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng gấp đôi chi tiêu cho du lịch.
Đây là một trong những kết quả do nền tảng thương mại điện tử về du lịch và trải nghiệm Klook công bố, từ nghiên cứu về những thay đổi trong nhu cầu, hành vi của du khách và xu hướng du lịch năm 2023 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo đó, nghiên cứu Klook Travel Pulse đã chỉ ra những thay đổi trong nhu cầu và hành vi du lịch ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam với điểm nhấn cụ thể:
Gần một nửa du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z dự định chi tiêu gấp đôi số tiền thu nhập trung bình hàng tháng của họ vào việc du lịch, theo Klook
Một trong ba du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẵn lòng chi tiêu hơn 2.000 đô la Mỹ cho kỳ nghỉ tiếp theo, gấp đôi so với thu nhập trung bình hàng tháng của châu Á.
Trong khi đó, đa số du khách Việt Nam (36%) muốn chi tiêu trong khoảng từ 1.000 USD - 2.000 USD (23 triệu đến 47 triệu đồng) cho kỳ nghỉ tiếp theo.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quý II cho biết thu nhập của lao động hưởng lương trung bình tại Việt Nam là 7 triệu đồng.
>>Du lịch inbound của Việt Nam hứa hẹn 1 năm bùng nổ
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam, nhận định mức chi trung bình cho du lịch của nhóm du khách độ tuổi 20-40 nói trên không phải là con số quá cao. Thế hệ này có thu nhập trung bình ở mức khá và tốt. Họ có xu hướng du lịch 1-2 chuyến mỗi năm, nên thường đầu tư số tiền lớn.
"Mức chi cho du lịch của người trẻ Việt thấp hơn so với con số trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông cho biết.
Tuy nhiên, một chuyên gia về dân số học cho rằng mức chi tiêu theo khảo sát trên có thể tập trung vào nhóm có thu nhập ổn định và cao tại các đô thị lớn. Do đó, nên khó có thể “cào bằng” bình quân thu nhập để đặt ra tính “đại diện” cho tất cả.
Ở một kết quả khác, nghiên cứu Klook Travel Pulse cũng cho biết du khách APAC nói chung và du khách Việt Nam nói riêng có xu hướng du lịch ngẫu hứng và thích du lịch ngắn ngày trong khu vực.
Đáng chú ý, yếu tố trải nghiệm trở thành “đơn vị tiền tệ mới của du lịch, với việc ngày càng nhiều du khách sẵn sàng đầu tư vào trải nghiệm du lịch, và đây cũng là yếu tố đầu tiên mà du khách xem xét, vượt qua cả chuyến bay và lưu trú.
Theo khảo sát, có tới 71% du khách Việt Nam sẵn sàng đầu tư vào các trải nghiệm du lịch. Những trải nghiệm được ưa chuộng nhất: thiên nhiên và hoạt động ngoài trời (71%), trải nghiệm văn hóa (61%), và hoạt động dưới nước (53%).
Ngoài ra, mạng xã hội là công cụ truyền cảm hứng du lịch số 1 cho Gen Z ở khu vực APAC. Có 54% số du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z tại khu vực APAC sử dụng mạng xã hội để tìm nguồn cảm hứng và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ. 69% du khách Việt Nam (cũng là con số cao nhất trong APAC) sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm cảm hứng và lập kế hoạch cho kỳ nghỉ. Các nền tảng phổ biến nhất bao gồm Facebook, TikTok và Instagram.
Sự ngẫu hứng được nhấn mạnh trong khảo sát với các tour du lịch ngắn hạn. Hơn một nửa du khách Việt Nam lựa chọn chỉ du lịch nội địa, và một phần ba muốn du lịch trong khu vực. Những điểm đến được du khách Việt lựa chọn nhiều nhất cho chuyến đi tiếp theo của họ bao gồm Singapore, nội địa, Nhật Bản và Thái Lan.
Một điểm được nói tới nhiều trong những gần đây là các sự kiện quy mô lớn nhằm kích thích nhu cầu du lịch. Ở Singapore, ông Hoàng cho biết chương trình ca nhạc với ca sĩ Taylor Swift | The Eras Tour đã kích thích một lượng lớn du khách đổ về Singapore. Việt Nam đã nằm trong top 10 thị trường (#8) đẩy mạnh nhu cầu này, và thị trường dẫn đầu với thế hệ trẻ “đổ bộ” đến Singapore theo sự kiện chính là Phillippines.
“Klook đã tận dụng nguồn cung đa lĩnh vực của mình để thiết kế các gói trải nghiệm Klook bao gồm vé concert kết hợp với lưu trú khách sạn cho khán giả concert, qua đó mang lại một trải nghiệm xem concert toàn diện hơn”, ông Hoàng cho biết thêm.
Trong khi đó, ở Việt Nam, sau Lễ hội pháo hoa 2023 thành công rực rỡ đã và đang thu hút du khách khắp nơi đổ về Đà Nẵng, sự kiện âm nhạc 8Wonder tại Nha Trang với sự hiện diện của ngôi sao ca nhạc Charlie Puth và các ca sỹ Việt Nam, tạo được tiếng vang rất lớn. Chương trình được đánh giá mở ra bước ngoặt cho các nhà làm du lịch có tầm cỡ tiếp tục triển khai những sự kiện quy mô để thay đổi tầm vóc và sức hút du lịch inbound Việt Nam.
Theo dữ liệu của Klook trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu du lịch outbound (từ Việt Nam đi các nước) tập trung các điểm đến được đặt nhiều nhất là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản.
So sánh 6 tháng đầu năm 2023 với 6 tháng đầu năm 2019: Nhu cầu du lịch nước ngoài tổng thể tăng 11%, trong khi mức chi tiêu du lịch trung bình của du khách Việt tăng 40%.
Nhu cầu du lịch quốc tế đến Việt Nam - Inbound, ghi nhận qua các điểm đến được khách quốc tế đặt nhiều nhất trên Klook 6 tháng đầu năm 2023 là: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long.
Các thị trường khách quốc tế hàng đầu gồm Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ. So sánh 6 tháng đầu năm 2023 với 6 tháng đầu năm 2019: Klook đã phát triển cả theo chiều dọc (ngành dọc sản phẩm mới) và theo chiều ngang (đa dạng sản phẩm tại nhiều điểm đến hơn) để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Nhu cầu du lịch quốc tế đến Việt Nam tổng thể tăng 80%, trong khi mức chi tiêu du lịch trung bình của khách quốc tế tăng 20%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Hoàng cũng nhận định, mặc dù du lịch tăng trưởng, vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Con số hơn 5,57 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu 2023, so với hơn 8 triệu của 6 tháng đầu 2019, cho thấy du lịch vẫn còn cần phải thúc đẩy mạnh mẽ để sớm lấy lại đà tăng trưởng trước đây.
Du lịch Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024: Thu 758 nghìn tỷ đồng
Hết 2024, du lịch Việt Nam sẽ cán mốc 18 triệu lượt khách quốc tế?