Savills dự báo, do Quy hoạch Nhà ở tại TP HCM đến năm 2030 ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng nên nguồn cung nhà liền thổ tại đô thị này sẽ tiếp tục bị hạn chế trong thời gian tới.
Savills Việt Nam vừa công bố Báo cáo tổng kết thị trường biệt thự, nhà phố TP HCM năm 2021.
Báo cáo ghi nhận, trong quý cuối cùng của năm 2021, nguồn cung sơ cấp nhà phố, biệt thự tại TP HCM chỉ đạt gần 400 căn, giảm 58% theo năm. Nguồn cung mới khoảng hơn 170 căn đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của ba dự án hiện hữu tại quận 9, 12 và Gò Vấp. Nguồn cung cuối năm ngoái tiếp tục giảm khi các chủ đầu tư dời kế hoạch mở bán 7 dự án sang năm 2022.
Trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm, quý IV/2021, lượng nhà phố, biệt thự bán được chỉ hơn 210 căn, giảm 67% theo năm, các căn có giá trên 18 tỷ đồng chiếm 90% lượng giao dịch thành công.
Dữ liệu thị trường của đơn vị này cho thấy, trong vài năm gần đây, tỷ trọng sản phẩm có giá bán trên 18 tỷ đồng một căn có nguồn cung sơ cấp lẫn lượng bán đang phủ sóng rổ hàng. Trong năm 2020 và 2021, phân khúc nhà phố, biệt thự triệu USD chiếm hơn 50% tổng nguồn cung sơ cấp và chiếm tỷ trọng cao trên tổng lượng giao dịch (43% vào năm 2020 và 51% năm 2021).
Năm qua, nguồn cung nhà liền thổ tiếp tục khan hiếm. Rổ hàng sơ cấp phân khúc này giảm 65% theo năm còn khoảng 1.200 căn, thấp nhất kể từ năm 2016. Nhà phố thương mại có hơn 200 căn, giảm 85% theo năm và chỉ chiếm 17% tổng nguồn cung sơ cấp.
Savills dự báo, nguồn cung nhà liền thổ tại TP HCM sẽ tiếp tục bị hạn chế trong thời gian tới do Quy hoạch Nhà ở tại đô thị này đến năm 2030 ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Đây là xu hướng sẽ còn tiếp diễn khi phân khúc căn hộ dự kiến chiếm 90% nguồn cung nhà ở tương lai, trong khi nhà liền thổ thấp tầng chỉ chiếm dưới 10%.
Các quận 2, 9 và huyện Bình Chánh tiếp tục là tâm điểm phát triển bất động sản liền thổ. Bình Chánh dự kiến có nguồn cung tương lai nhiều nhất chiếm 27% thị phần, quận 2, 9 lần lượt chiếm 16-18%. Năm 2022, nguồn cung tương lai ước tính gần 1.400 căn từ giai đoạn tiếp theo của ba dự án hiện hữu và chín dự án mới.
Năm 2021, TP HCM đang bị các tỉnh giáp ranh vượt qua về cả nguồn cung và lượng giao dịch nhà liền thổ. Nguồn cung sơ cấp nhà gắn liền với đất của Đồng Nai nhiều hơn TP HCM 130% và lượng giao dịch nhiều hơn 160%. Trong khi đó, Bình Dương cũng có nguồn cung sơ cấp nhà phố, biệt thự cao hơn TP HCM 23% và lượng giao dịch nhỉnh hơn 2%.
Nguồn cung tương lai bất động sản liền thổ ở các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự kiến đến năm 2024, Đồng Nai có nguồn cung tương lai hơn 17.700 căn, nhiều hơn TP HCM 105%. Bình Dương dự kiến tung ra 7.400 căn vào năm 2024.