Ngưỡng an toàn
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,1159 đồng/kWh (tương đương mức tăng 4,8%) không làm cho nhiều người ngạc nhiên.
Và đó cũng là điều không tránh khỏi, vì theo EVN giá thành sản xuất kinh doanh điện cao hơn giá bán. Theo công bố của Bộ Công Thương, năm 2023 giá thành sản xuất là 2.088,90 đ/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân 1.953,57 đồng/kWh.
Các chuyên gia tính toán, để có thể hòa vốn, EVN cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5%, tương ứng 100 đồng/kWh. Mức điều chỉnh này tương đương với các lần điều chỉnh trong năm 2023. Tuy nhiên EVN mới tăng giá lên 4,8%. Điều đó cũng có nghĩa, dù đã tăng giá như hiện tại, EVN vẫn khó tránh khỏi tiếp tục lỗ trong thời gian tới.
Giá điện tăng sẽ gây hiệu ứng tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số lạm phát, nhất là dịp cuối năm các hoạt động sản xuất, tiêu dùng đều tăng mạnh. Chi phí sản xuất, sinh hoạt cũng tăng theo nên khiến người dân, doanh nghiệp lo ngại và đó cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều lo ngại nhất.
Các chuyên gia cho rằng, đầu vào sản xuất kinh doanh điện theo thị trường nhưng đầu ra lại không được tính đúng tính đủ, không chỉ gây nhiều hệ lụy và bất cập cho chính hoạt động sản xuất kinh doanh điện mà còn cho cả nền kinh tế. Một ví dụ để thấy, khi lỗ triền miên (do không tính đúng tính đủ và vì phải mua cao bán thấp), ngành điện sẽ bị xếp hạng tín dụng xấu và sẽ không thể vay được vốn để tái đầu tư, phát triển. Các nhà đầu tư khác ngoài EVN cũng sẽ không sẵn sàng móc hầu bao để phát triển nguồn điện, vì không tối ưu được lợi nhuận. Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu thiếu điện? Đó là câu hỏi lớn và cũng là điều lo ngại nhất.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu giá điện không tăng thì mới thật sự là mối lo vì nền kinh tế bị đẩy đến mức quá ngưỡng an toàn. Song, để đảm bảo giữ được ở ngưỡng an toàn, điều trước nhất là cần có cái đa chiều, nhìn rộng và xa hơn trong câu chuyện giá điện. Theo đó, “điểm hòa vốn” là tính cho cả nền kinh tế và sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội chứ không phải vì lợi ích trước mắt hay chuyện lời lãi của ngành hoặc đơn vị cụ thể nào. Tất nhiên, ngoài câu chuyện giá điện, cần phải có giải pháp từ hoạch định đến vận hành để hoạt động kinh doanh điện ngày càng hiệu quả hơn.
Khó khăn vì tăng giá điện là điều khó tránh khỏi. Nhưng từ bao lâu nay vẫn vậy, người dân và doanh nghiệp luôn biết cách để thích ứng vượt qua, từ việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất đến sử dụng điện một cách thông minh để đem lại hiệu quả cao nhất nhưng với chi phí thấp nhất. Đó cũng là cách mỗi người dân, doanh nghiệp tự tìm điểm hòa vốn và ngưỡng an toàn cho mình.