Nguy cơ "thập kỷ mất mát" bủa vây nền kinh tế Trung Quốc

12-07-2023 11:41|Thủy Tiên

Đà hồi phục sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc dần chững lại khi phải đối diện với những vấn đề mang tính chất cấu trúc không dễ dàng xóa bỏ.

Vào những năm 1980, nhiều người từng kỳ vọng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, đến đầu những năm 1990, khi bong bóng trong nền kinh tế sắp vỡ, Bộ Tài chính nước này đã quyết định tăng lãi suất, khiến thị trường chứng khoán sụp đổ và một cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Giờ đây, khi nhìn vào bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, một số chuyên gia băn khoăn rằng sau 30 năm tăng trưởng đáng kinh ngạc, liệu nước này có sắp rơi vào "thập kỷ mất mát" như Nhật Bản hay không.

Tiêu dùng trì trệ, bất động sản chao đảo, xuất khẩu sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục và nợ chính quyền địa phương ở mức cao - những căng thẳng này đang bắt đầu tác động đến nền kinh tế nói chung, ảnh hưởng đến mọi thứ từ giá hàng hóa công nghiệp đến thị trường chứng khoán Trung Quốc.

"Bóng ma" giảm phát

Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 10/7 cho thấy, sau hai tháng tăng nhỏ giọt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 đi ngang ở mức 0% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Nguy cơ

Lạm phát của Trung Quốc ở ngưỡng 0% trong tháng 6.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất PPI đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giảm sâu nhất gần 8 năm nay.

Hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác cũng suy yếu.

Tình hình trên làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ giảm phát, ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã mong manh ở Trung Quốc, khiến nền kinh tế bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, với nhu cầu yếu và giá cả thấp tác động qua lại để càng yếu hơn nữa.

Chưa hết, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ tại thị trường tỷ dân tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 20% trong 5.

Trong khi đó, đà phục hồi của thị trường nhà ở, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, cũng mất động lực dù Bắc Kinh đã nới lỏng nhiều chính sách để kích thích nhu cầu mua nhà.

Thị trường tài chính nước này cũng không tươi sáng hơn là bao. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút tiền ra khỏi thị trường Trung Quốc. Cụ thể, trong tháng 5, khối ngoại đã bán tháo 1,71 tỷ USD cổ phiếu đại lục, tăng gần gấp 3 so với mức 659 triệu USD của tháng 4.

Vì đâu nên nỗi?

Kỳ vọng về sự bùng nổ mạnh mẽ hậu Covid-19 dần phai nhạt, qua đó nêu bật những vấn đề nằm sâu trong nội tại nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua.

Cơn sốt thị trường bất động sản và chi tiêu chính phủ, động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong hơn một thập gần đây, đã không còn. Những khoản nợ khổng lồ đang bóp nghẹt các hộ gia đình và chính quyền các địa phương.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các chính quyền địa phương có khoản nợ trên sổ sách trị giá 35.000 tỷ nhân dân tệ (4.893 tỷ USD) vào cuối năm 2022.

Nếu tính thêm "nợ ẩn" của các chính quyền địa phương thông qua các công ty tài chính mà họ lập ra (LGFV), tổng khoản nợ sẽ gần 100.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.982 tỷ USD), tương đương gần 80% GDP Trung Quốc.

Nguy cơ
Thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi sau dịch bệnh.

Trong khi đó, một bộ phận người dân gia tăng tích trữ tiền mặt, không dám chi tiêu vì mang những quan ngại về thu nhập và thất nghiệp do tăng trưởng yếu hơn, tâm lý tiêu cực khi tài sản bất động sản giảm giá trị khiến mọi người muốn tiết kiệm.

Kế hoạch “thanh trừng” của chính phủ đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân khiến cho khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư sụt giảm. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, trước mối quan hệ căng thẳng với các quốc gia phương Tây đặc biệt là Mỹ, cũng không còn dồi dào như trước.

Tình hình xuất khẩu của nước này còn trầm trọng hơn khi Mỹ tìm cách cắt đứt Trung Quốc khỏi nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ then chốt khác có thể thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Dân số già và lực lượng lao động ngày càng teo nhỏ khiến cho khó khăn càng thêm chồng chất.

Phê phán TikTok, chỉ trích Trung Quốc, Mark Zuckerberg vạ miệng?

Vốn hóa ngân hàng Trung Quốc bốc hơi 77 tỷ USD, điều gì đang xảy ra?

3 năm sau cú vạ miệng tai hại của tỷ phú Jack Ma, Alibaba mất những gì?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguy-co-thap-ky-mat-mat-bua-vay-nen-kinh-te-trung-quoc-191780.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nguy cơ "thập kỷ mất mát" bủa vây nền kinh tế Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH