Nguyên nhân nào khiến The Coffee House và Starbucks lần lượt rút lui?
Hiện nay, các doanh nghiệp F&B lớn như Starbucks, The Coffee House đã đóng nhiều cửa hàng trên toàn quốc dù rất hút khách.
Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS.vn, cả nước hiện có khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với năm 2023. Ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã phải đóng cửa, trong khi số lượng cửa hàng mới mở rất hạn chế.
TP. HCM là địa phương chịu tác động nặng nề nhất, với số lượng cửa hàng giảm gần 6% trên toàn thành phố. Cuối tháng 7, các cửa hàng The Coffee House tại Cần Thơ đã thông báo đóng cửa. Vào tháng 8 vừa qua, 3 chi nhánh còn lại tại Đà Nẵng cũng có kế hoạch dừng hoạt động, đánh dấu sự rút lui của The Coffee House khỏi 2 thành phố này sau nhiều năm mở rộng thị trường.
Trước đó, để tối ưu hóa chi phí, The Coffee House đã phải dừng hoạt động tại một số chi nhánh từng rất hút khách như Kim Mã, Nguyễn Tuân, Bùi Thị Xuân, Văn Quán (Hà Nội), Phạm Văn Chiêu (TP. HCM), Lạch Tray (Hải Phòng), và nhiều địa điểm khác.
Không chỉ có The Coffee House, vào ngày 26/8, Starbucks Việt Nam cũng bất ngờ thông báo đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên, quận 1, TP. HCM - cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất của Starbucks tại TP. HCM. Dù không đưa ra lý do cụ thể, dư luận cho rằng chi phí thuê mặt bằng quá cao là nguyên nhân chính.
Qua khảo sát, giá thuê mặt bằng tại Hàn Thuyên hiện vào khoảng 750 triệu đồng/tháng, khiến Starbucks phải chi khoảng 25 triệu đồng/ngày và 9 tỷ đồng/năm chỉ cho tiền thuê mặt bằng. Đây là khoản chi phí quá lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Tương tự, mặt bằng tại Ngã 6 - Phù Đổng (325 Lý Tự Trọng, TP. HCM) cũng liên tục đổi chủ khi không thương hiệu nào trụ nổi quá 2 năm thuê. Phúc Long đã phải rời khỏi đây vào năm 2019 sau khi chủ nhà tăng giá thuê từ 14.000 USD lên 25.000 USD/tháng. Các thương hiệu sau đó như Soya Garden và PhinDeli cũng không thể trụ lại lâu. Hiện tại, mặt bằng này được siêu thị MIA thuê với giá khoảng 700 triệu đồng/tháng.
>> Cách Starbucks chiêu mộ nhân tài: 'Offer Letter' trong mơ của hàng triệu người
Chủ thương hiệu Rau má Mix cho biết, mặt bằng tại các vị trí đắc địa như ngã ba, ngã tư, hoặc các vòng xoay có lượng khách rất cao nhưng giá thuê cũng rất đắt đỏ. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các vị trí chiến lược này có thể giúp tăng trưởng kinh doanh trực tuyến, một kênh bán hàng quan trọng trong ngành F&B.
Giám đốc thị trường chuỗi đồ ăn Nhật (JCR Việt Nam) thuộc Maxim’s Caterers chia sẻ, dù thị trường F&B Việt Nam rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải thận trọng thăm dò thị trường và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào các vị trí đắc địa.
Báo cáo của iPOS.vn cho thấy các doanh nghiệp F&B đang đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt. Có tới 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh hiện tại, trong khi chỉ 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. Doanh thu của các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam biến động mạnh qua từng tháng, với nhiều doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2024.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B vẫn đạt 403.900 tỷ đồng, bằng 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Báo cáo của Kirin Capital dự kiến giá trị thị trường F&B tại Việt Nam sẽ tăng 10,92% so với năm ngoái, đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần iPOS.vn nhận định, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động trong ngành F&B, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập thương hiệu FBVI, cho rằng việc phân bổ chi phí tài chính luôn là vấn đề quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt trong ngành F&B.
Một số thương hiệu đã chọn "đu trend" kinh doanh trực tuyến để bù đắp chi phí cắt giảm các cửa hàng vật lý. The Coffee House, mặc dù giảm số lượng chi nhánh, đã tập trung vào phát triển ứng dụng đặt hàng riêng để tối ưu hóa chi phí và kiểm soát nguồn khách hàng.
Dù giảm số lượng cửa hàng trực tiếp, The Coffee House vẫn thu hút lượng khách hàng trực tuyến lớn, với lượng shipper nối nhau chờ lấy hàng tại các cửa hàng ở TP. HCM luôn đông đảo. Điều này cho thấy, việc đặt hàng qua ứng dụng với nhiều ưu đãi đã giúp thương hiệu này duy trì sức hút, ngay cả trong bối cảnh chi phí thuê mặt bằng tăng cao.
>> Một 'ông lớn' từ Nhật Bản chính thức đổ bộ thị trường đồ nướng Việt Nam