Nhà cổ hơn 200 năm tuổi được UNESCO công nhận, dựng bằng loại gỗ quý đặc biệt, mát lạnh mùa hè ấm vào mùa đông
Hầu hết khung nhà, cột, kèo, cửa... đều làm bằng những loại gỗ quý mang đặc tính nhẹ và ít mối mọt.
Thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang lưu giữ bảo tồn một ngôi nhà cổ xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ngôi nhà này là 1 trong 6 ngôi nhà gỗ cổ tại Việt Nam được tổ chức Di sản Châu Á - Thái Bình Dương bảo tồn.
Chủ nhân của ngôi nhà cổ hiện nay là ông Phạm Ngọc Tùng, đời thứ 7 dòng họ Phạm. Ông Tùng kể, căn nhà được xây dựng từ năm 1810, lúc cụ Tổ đang làm chức quan hàng Bát phẩm trong triều đình nhà Nguyễn. Để xây dựng căn nhà, cụ Bát đã thuê những thợ giỏi nhất tỉnh về dựng căn nhà.
quang cảnh bên ngoài ngôi nhà. Ảnh internet |
Nhà được làm chủ yếu bằng vật liệu là gỗ, gồm 7 gian, có chiều rộng 9,8m, dài 21,5m và cao 5m. Trong đó, 3 gian chính được gia đình trưng dụng làm nơi thờ cúng và tiếp khách.
Ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu chồng rường, kẻ chuyền và kẻ bẩy. Được thiết kế theo lối lộn thềm - một lối kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa, nhằm tạo không gian thoáng, rộng rãi.
Căn nhà được làm từ nhiều loại gỗ quý. Ảnh: VNE |
Hầu hết khung nhà, cột, kèo, cửa... đều làm bằng những loại gỗ quý thời bấy giờ như xoan, sến, táu. Trong đó, gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất nhờ đặc tính nhẹ và ít mối mọt.
Thềm nhà bằng đá xanh nguyên khối là chi tiết độc đáo của ngôi nhà cổ. Cột nhà bằng những loại gỗ chịu lực tốt như sến, táu, lát...
Tổng thể căn nhà có 27 cột lớn, nhỏ và có 3 cửa chính với 12 cánh. Đặc biệt, ngôi nhà có 9 mắt cửa, theo chủ nhân ngôi nhà, các mắt cửa được tính toán, bố trí theo phong thủy.
Căn nhà đã có tuổi đời hơn 200 năm. Ảnh internet |
Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn. Chỉ một số trụ cột cái bị mục và xuống cấp nên được thay mới phần chân cột. Với lối kiến trúc độc đáo, căn nhà luôn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Phía gian thờ bên trong căn nhà, gia đình ông Tùng còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ quý giá từ xa xưa. Ông Tùng cho biết, nhiều năm qua, ông luôn căn dặn con, cháu nâng cao nhận thức, hiểu biết để lưu giữ nét đẹp vốn có của căn nhà.
Căn nhà cổ được trùng tu nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên bản. Ảnh: VNE |
Tháng 9/2002, Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch và Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) đã phối hợp, tiến hành trùng tu trên nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản của ngôi nhà.
Sau khi trùng tu, ngôi nhà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO công nhận là 1 trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam.