Tài chính Ngân hàng

Nhà đầu tư 'đẫm lệ' với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua

Hoàng Hiếu 06/08/2024 - 05:53

Phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số VN-Index giảm 48,53 điểm, đâm thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm.

Những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến các đợt trồi sụt bất ngờ: Sau những phiên giảm mạnh là những phiên tăng điểm đánh lừa. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đang lạc quan bỗng nhiên chịu những cú sốc lớn khi không lường trước được những pha “quay xe” ngoạn mục.

Điển hình như phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số VN-Index tích cực hồi phục trở lại sau những phiên giảm điểm trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phe mua khi có 270 cổ phiếu sắc xanh trên HoSE, giúp chỉ số VN-Index tăng 9,64 điểm, lên ngưỡng 1.236,6 điểm.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 5/8, kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường bị đập tan. Ngay từ đầu phiên, lực bán mạnh mẽ đã khiến VN-Index thủng luôn ngưỡng 1.200 điểm. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua.

Nhà đầu tư đẫm lệ với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua
Chỉ số VN-Index kết phiên giao dịch ngày 5/8 giảm 48,53 điểm

Tâm lý nhà đầu tư Việt “mong manh” trước sóng gió thị trường tài chính quốc tế

Đi tìm nguyên nhân giảm điểm hôm nay của thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn biến động đến từ tâm lý mong manh của nhà đầu tư Việt trước sóng gió thị trường tài chính quốc tế. Ngay trước thời điểm thị trường chứng khoán mở cửa sáng 5/8, nhà đầu tư Việt đã đối mặt với hàng loạt yếu tố tác động. Đặc biệt trong số các yếu tố tác động tâm lý nhà đầu tư, là thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới đều bị bán mạnh mẽ.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cuối tuần qua chịu áp lực bán tháo mạnh, chỉ số S&P 500 giảm 1,84% xuống 5.346,56 điểm, còn Dow Jones mất 611 điểm, xuống 39.737,26 điểm.

Nhà đầu tư đẫm lệ với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet

>>Bất ngờ với khối tài sản nhiều nghìn tỷ của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy

Lạm phát cao, lãi suất duy trì ở mức cao và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng làm tâm lý nhà đầu tư toàn cầu hoang mang hơn bao giờ hết. Nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đã chọn cách rút vốn, khiến thanh khoản nhiều thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, thông tin tiêu cực về nợ xấu gia tăng trong hệ thống ngân hàng cũng làm lòng tin của nhà đầu tư lung lay. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ như bơm vốn, điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để đảo ngược tình hình.

Điều đáng chú ý là ngay cả những cổ phiếu được mệnh danh là “vua” – cổ phiếu ngân hàng, vốn là trụ cột của thị trường – cũng không đứng vững được trước đà bán tháo.

Tính đến cuối phiên, hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ, với mức giảm đáng kể. Các cổ phiếu trong nhóm Big 4, được coi là “tứ trụ”, cũng không thể thoát khỏi xu hướng chung. Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá đồng loạt đã tạo áp lực lớn lên toàn bộ thị trường.

Cụ thể, cổ phiếu VCB giảm 2,03% khiến VN-Index mất 2,39 điểm; BID giảm 3,46% và CTG giảm 4,44%, lần lượt làm chỉ số VN-Index mất 2,21 điểm và 1,75 điểm.

Nhà đầu tư đẫm lệ với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua
Các cổ phiếu tác động mạnh đến chỉ số VN-Index trong phiên 5/8

“Vua” cũng không cứu nổi thị trường

Cổ phiếu ngân hàng, từ trước đến nay, luôn được coi là “vua” của thị trường chứng khoán nhờ vào lợi thế ổn định và khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ngay cả các mã cổ phiếu này cũng không thể tránh khỏi làn sóng bán tháo trên diện rộng.

Các chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong thời gian gần đây phản ánh rõ nét tác động từ nền kinh tế. Việc các ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ nợ xấu, cùng với áp lực từ môi trường kinh doanh khó khăn đã khiến cho các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng hồi phục của ngành này.

Tại tọa đàm "Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức vào ngày 2/8, ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.

Theo ông Kiên, trong 2 năm gần đây, nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức cao và tiếp tục tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại, trong đó SCB là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất.

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng trong thời gian gần đây, ông Lê Trung Kiên nhận định, nguyên nhân đến từ kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng.

Nhà đầu tư đẫm lệ với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua
Hình ảnh tại buổi tọa đàm "Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp", nguồn: Internet

Nhà đầu tư nên làm gì?

Trước tình hình hiện tại, các nhà đầu tư được khuyến nghị nên giữ tâm lý bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng danh mục đầu tư của mình và tránh những quyết định bán tháo trong hoảng loạn.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng hay bất kỳ ngành nào khác đều cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố cơ bản, thay vì chỉ dựa vào biến động ngắn hạn của thị trường.

Trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với những thử thách lớn. Dù cổ phiếu “vua” cũng không thể tránh khỏi đà giảm, nhưng điều này cũng cho thấy sự khó lường và biến động của thị trường. Nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư thông minh, cẩn trọng và chuẩn bị tâm lý để đối phó với những diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Trong một báo cáo mới đây của FPT Securities chỉ ra, về dài hạn, giai đoạn hiện tại vẫn phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, thực hiện tích lũy cổ phiếu trên cơ sở kỳ vọng các chủ đề đầu tư sẽ tiếp tục dẫn dắt xu hướng và luân chuyển ngành cho giai đoạn nửa cuối năm 2024.

FPT Securities đánh giá triển vọng TÍCH CỰC đến từ ngành ngân hàng nhờ tín hiệu phục hồi động lượng. Các chuyên gia đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có khả năng thu hút dòng tiền giao dịch nhờ lợi thế từ KQKD khả quan trong mùa báo cáo bán niên.

Ngoài ra, mức P/B của ngành ngân hàng khoảng 1,5x tại ngày 27/06/2024 là một mức tương đối hấp dẫn đối với triển vọng trong 1 năm tới của toàn ngành. Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu xem xét lại room tín dụng, điều này củng cố thêm việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư.

>>Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 5/8: Hút hơn 6.100 tỷ đồng, ACB, MBB và STB khớp lệnh 'khủng'

Ngân hàng Nhà nước đồng loạt hạ lãi suất OMO và tín phiếu, chuyện gì đang xảy ra?

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 5/8: Hút hơn 6.100 tỷ đồng, ACB, MBB và STB khớp lệnh 'khủng'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-dam-le-voi-thi-truong-chung-khoan-co-phieu-vua-cung-phai-thua-244388.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhà đầu tư 'đẫm lệ' với thị trường chứng khoán: Cổ phiếu 'vua' cũng phải thua
POWERED BY ONECMS & INTECH