Nhà ga sân bay tại TP đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ mang dáng dấp đặc biệt, thể hiện khát vọng mới của ngành hàng không
Được thiết kế với hình ảnh cánh chim phượng hoàng đang sải cánh bay lên, nhà ga hành khách của sân bay này thể hiện khát vọng vươn mình giữa biển lớn.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tiến hành tổ chức công bố Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo như quy hoạch, các dự án nâng cấp và mở rộng cảng hàng không này sẽ được đầu tư khẩn trương nhằm sẵn sàng phục vụ cho sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2027.
Với tổng diện tích quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc ở vào khoảng 1.050ha, vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 khoảng 26.570 tỷ đồng; tầm nhìn đến năm 2050, sẽ cần thêm khoảng 25.790 tỷ đồng để nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng.

Theo báo cáo từ Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được mở rộng mạnh mẽ, với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm trước năm 2027 — gấp 4,5 lần so với mức hiện tại là 4 triệu khách. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay này sẽ hướng tới quy mô phục vụ 50 triệu lượt khách mỗi năm.
Trong quy hoạch được duyệt, nhà ga hành khách T1 hiện tại vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, nhà ga T2 sẽ được xây mới theo tiêu chuẩn quốc tế, do đơn vị tư vấn CPG Airport (Singapore) thiết kế, lấy cảm hứng từ hình ảnh chim phượng hoàng đang sải cánh - biểu trưng cho khát vọng vươn tầm và phát triển mạnh mẽ của hàng không Việt Nam.
Nhà ga mới sẽ tích hợp đầy đủ các chức năng: Khu quốc tế, khu nội địa, trung tâm thương mại và khu triển lãm, đồng thời trang bị hệ thống ống lồng hiện đại, nâng tầm trải nghiệm hành khách.

Đáng chú ý, T2 sẽ ứng dụng các công nghệ vận hành tiên tiến như làm thủ tục trực tuyến từ xa, hệ thống phân loại hành lý tự động, nhận diện sinh trắc học... giúp tối ưu hóa dòng khách và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, một nhà ga VIP độc lập sẽ được xây dựng để đón tiếp nguyên thủ và các đoàn khách cấp cao. Công trình do kiến trúc sư người Italy - Marco Casamonti thiết kế, lấy cảm hứng từ hình ảnh cá đại bàng biển - biểu tượng của sự uyển chuyển và tự do giữa đại dương, phù hợp với tính chất trọng yếu của Phú Quốc trong các sự kiện đối ngoại lớn.
Để đảm bảo năng lực khai thác, sân bay sẽ có thêm một đường cất hạ cánh mới dài 3.300m bên cạnh đường băng hiện hữu dài 3.500m, đủ sức phục vụ các loại máy bay thân rộng trên các đường bay dài tới châu Âu và Bắc Mỹ. Hệ thống sân đỗ cũng được mở rộng, dự kiến lên tới 70–80 vị trí, sẵn sàng đón tiếp nguyên thủ quốc gia và đáp ứng các hoạt động mang tầm quốc tế.
Cùng với đó là hệ thống công trình phụ trợ đồng bộ như nhà ga hàng hóa, radar dẫn đường, tạo nền tảng hoàn chỉnh cho một sân bay hiện đại, vận hành an toàn và hiệu quả.
Theo ông Uông Việt Dũng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, quy hoạch mở rộng sân bay Phú Quốc không chỉ là bước chuẩn bị cho APEC 2027 mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc thúc đẩy thành phố đảo trở thành điểm đến du lịch, trung tâm hội nghị và đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của khu vực. Việc đồng loạt triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn khẳng định vị thế của Phú Quốc như một cực tăng trưởng mới của cả nước.
Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên được thành lập của Việt Nam. Đảo Phú Quốc cùng các đảo nhỏ lân cận và quần đảo Thổ Chu hợp lại tạo thành TP. Phú Quốc ở vịnh Thái Lan.