Nhà khoa học từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người thay mặt QĐND Việt Nam trực tiếp ký Hiệp định Genève 1954, được bầu Đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa

18-04-2024 00:50|Quỳnh Như

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ trong một năm ngắn ngủi, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển quân đội.

Người mang trí tuệ thiên tài

Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986) sinh tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Cha là cụ cử nhân Nho học Tạ Quang Diễm. Mẹ là bà Nguyễn Thị Đào (tức nữ sĩ Sầm Phố) có nhiều bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước in trên các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Thời Đàm...

Chân dung Giáo sư Tạ Quang Bửu

Chân dung Giáo sư Tạ Quang Bửu

Năm 1929, là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), Tạ Quang Bửu đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ (chương trình học và thi rất nặng). Sau đó, ông thi cùng học sinh các trường Tây, đỗ đầu tú tài Tây ban toán và đỗ hạng ưu tú tài Tây ban triết. Đây cũng là hai môn được ông yêu thích ngay từ khi còn trẻ.

Đỗ cao nên ông nhận được học bổng của Hội Như Tây du học (một hội khuyến học của Nam triều) để sang Pháp học tiếp. Đến Paris, ngành học đầu tiên ông Bửu chọn là toán học. Các giáo sư Pháp rất quý ông về sự nhạy cảm toán học và óc suy luận thông minh, sắc bén. Sau này, Giáo sư Lê Văn Thiêm kể lại: "Trong kỳ thi lấy một chứng chỉ rất khó, hơn 100 người dự thi, chỉ có 4 người đỗ, trong đó có ông Bửu".

Sau khi theo học chương trình cử nhân khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), ông Bửu xuống Bordeaux để học thêm thầy Trousset về cơ học. Ông đọc kỹ cuốn Cơ học của Rauth và làm hầu hết các bài tập trong đó. Rồi ông dự thi và nhận được học bổng của Đại học Oxford bên Anh. Tại đây, ông có cơ hội trau dồi tiếng Anh, nhất là về mặt ngữ âm và hội thoại, cũng như học cơ học lượng tử qua các xêmina. Năm 1938, ông lại có dịp trở lại nước Anh dự Trại Tráng sĩ của Tổ chức Hướng đạo Thế giới, thi lấy bằng trại trưởng.

Năm 1934, Tạ Quang Bửu (đứng giữa) về nước, ở Huế và dạy Trường Thiên Hựu. Ảnh: Báo Vietnamnet

Năm 1934, Tạ Quang Bửu (đứng giữa) về nước, ở Huế và dạy Trường Thiên Hựu. Ảnh: Báo Vietnamnet

Sau khi về nước, năm 1934 (khi mới 24 tuổi), Tạ Quang Bửu từ chối lời mời ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh ở trường tư Providence (Huế). Ngoài 2 môn học này, ông còn nhận dạy các bộ môn khác theo yêu cầu của nhà trường - một việc hiếm ai có thể làm được.

Với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ông không chỉ dạy học sinh những kiến thức trong sách, mà luôn mở rộng, phát triển nó ở trình độ cao hơn để giới thiệu cho học trò.

Nhà khoa học làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Và từ đây, ông đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được Bác Hồ giao làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao và là thành viên Hội đồng Kiến thiết Quốc gia.

Ông Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ tháng 3/1946, dù chưa kết nạp Đảng, ông vẫn được tin tưởng giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7/1947, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ tháng 8/1947-8/1948, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ trong một năm ngắn ngủi, ông cũng đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển quân đội ta.

Chính Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo và biên soạn cuốn sách "Bắn máy bay bằng súng trường tập trung" phổ biến rộng rãi khắp nơi, giúp các lực lượng vũ trang còn non trẻ của chúng ta có thêm kỹ năng chiến đấu, khiến máy bay Pháp bắt buộc phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam. Về sau, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, kinh nghiệm đó cũng đã được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam...

Chính Giáo sư Tạ Quang Bửu sau Chiến thắng Việt Bắc năm 1947 đã đề nghị Bác Hồ giao lại chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo giáo sư, Bộ trưởng Quốc phòng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và thống nhất cả về hoạt động tác chiến lẫn công tác hậu cầu. Và giáo sư đã vui vẻ xin trở lại với chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn đảm nhận cả Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương cho đến sau ngày Hà Nội giải phóng tháng 10/1954.

Cũng trong năm 1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Genève về Việt Nam. Ông là người đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Genève về Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định. Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi miền Bắc hòa bình, Giáo sư Tạ Quang Bửu chuyển sang công tác trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Năm 1965-1976, ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục "thực dạy, thực học", "học đi đôi với hành". Ông đã sớm chỉ ra rằng, đất nước không thể tiến lên được nếu không thanh toán một nền sản xuất không có kỹ thuật và một nền kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học.

Giáo sư Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên với nhiệm kỳ kéo dài 11 năm. Ảnh: Tư liệu gia đình

Giáo sư Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên với nhiệm kỳ kéo dài 11 năm. Ảnh: Tư liệu gia đình

Giáo sư Tạ Quang Bửu đã có công lớn trong việc chỉ đạo bậc đào tạo đại học nâng cao chất lượng đào tạo, duy trì kỷ luật nhà trường, đảm bảo sự công bằng xã hội trong tuyển sinh. Ông đã sáng suốt, bản lĩnh khi làm thay đổi cách tuyển chọn đầu vào đại học, tổ chức kỳ tuyển sinh đầu tiên vào năm 1970, được cả xã hội đồng tình và tiếp nhận.

Ông cũng là người có nhiều công lao trong việc xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên của đất nước - Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1956, ông trở thành Giám đốc đầu tiên ngôi trường này.

Giáo sư Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) từng là Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Báo Vietnamnet

Giáo sư Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) từng là Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Báo Vietnamnet

Ông còn là Đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô...

Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương hạng Nhất như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…

Giáo sư Tạ Quang Bửu mất ngày 21/8/1986 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, thọ 76 tuổi. Để tưởng nhớ đến giáo sư, đã có nhiều công trình mang tên ông như Trường THPT Tạ Quang Bửu ở TP. HCM, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ở Huế, tàu khảo sát đo đạc biển Tạ Quang Bửu của Quân chủng Hải quân, Thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học Bách khoa Hà Nội...

Tham khảo:

- Bộ trưởng Tạ Quang Bửu - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng

- Giáo sư Tạ Quang Bửu - một trí thức uyên bác - Báo Tin Tức

- Giáo sư Tạ Quang Bửu: Tận tâm, tận lực một đời - Báo CAND

- Giáo sư Tạ Quang Bửu - một “thiên huyền thoại” - Báo Dân Trí

>> Người Việt đầu tiên giành hai huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế: Nhận phong hàm Giáo sư khi mới 33 tuổi, giúp Việt Nam lần đầu tiên có giải thưởng 'Nobel Toán học'

Vị tướng thân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ, được Bác Hồ tặng 3 bảo vật

Nhà yêu nước 70 tuổi vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về làm Bộ trưởng, từng thay mặt Bác điều hành đất nước trong thời điểm 'ngàn cân treo sợi tóc'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nha-khoa-hoc-tung-giu-trong-trach-bo-truong-bo-quoc-phong-la-nguoi-thay-mat-qdnd-viet-nam-truc-tiep-ky-hiep-dinh-geneve-1954-duoc-bau-dai-bieu-quoc-hoi-lien-tuc-nhieu-khoa-d120690.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà khoa học từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người thay mặt QĐND Việt Nam trực tiếp ký Hiệp định Genève 1954, được bầu Đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa
    POWERED BY ONECMS & INTECH