Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Luật gia Việt Nam, từng giữ các cương vị, trọng trách như Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại thương...
Luật sư Phan Anh (1912-1990) sinh tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, ông cùng với người em theo cha lưu lạc khắp nơi. Tuy sống cực khổ nhưng được sự giáo dục của cha, cả 2 anh em ông đều học giỏi.
Năm 1926, ông giành được suất học bổng nội trú của trường Bưởi, Hà Nội - ngôi trường dành cho những trí tuệ sáng láng nhất trong giới học sinh khi ấy. Thời gian này, ông đọc cuốn sách cấm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nhà Cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Năm 22 tuổi, ông đỗ ba bằng Tú tài: Tú tài Bản xứ, Tú tài Toán và Tú tài Triết học (của Pháp). Vào học khoa Luật Trường Đại học Đông Dương, ông chuyên tâm học tập và tích cực hoạt động xã hội theo hướng phục vụ “dân tộc”. Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp, là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương.
Năm 1937, tốt nghiệp Cử nhân Luật Trường Đại học Đông Dương (vị trí thứ 2), ông được nhận học bổng sang Pháp tiếp tục học tập. Ông chuyên tâm nghiên cứu pháp luật đạt được kết quả ưu tú, đỗ ba bằng Tiến sĩ về Công pháp, Tư pháp và Lịch sử. Về nước, ông hành nghề luật sư tại Văn phòng Luật sư Bùi Tường Chiểu.
Hầu như tuần nào, Luật sư Phan Anh cũng có mặt ở Tòa án Quân sự để bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng - những người yêu nước, dũng cảm dấn thân vào cuộc đấu tranh chống áp bức, bị thực dân Pháp bắt và kết án. Tất nhiên, do cơ chế thời thuộc địa nên những nỗ lực và thiện ý của Luật sư Phan Anh không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít ra thì ông cũng đã bộc bạch được lòng dũng cảm và trượng nghĩa của mình.
Năm 1940, ông cùng Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền thành lập Báo Thanh Nghị (1941-1945) với mong muốn đóng góp ý kiến của nhóm ông trước quốc dân. Ông là một trong năm cây bút trụ cột của báo này, phụ trách nhiều chuyên mục của báo. Tuy là một luật sư nhưng nhờ biết chữ Hán, thông hiểu triết, văn, sử Trung Hoa (cả cổ học và tân học) nên các bài viết của ông rất có giá trị về cả phổ thông và chuyên môn.
Uy tín đạo đức và chuyên môn cao của Luật sư Phan Anh đã khiến Trần Trọng Kim, người đứng đầu Chính phủ thân Nhật, mời ông vào Huế làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Ở thời điểm đó, không phải Luật sư Phan Anh không suy tư trước khi nhận lời tham gia vào một Nội Các mà trong con mắt của đa số người dân Việt Nam lúc ấy, không thể nào không bị mang tiếng là Việt gian.
Sau này, ông bộc bạch rằng: Những thành viên Nội Các Trần Trọng Kim như ông "tuyệt đối không ai có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia Chính phủ là để phụng sự..."
Việc làm trước hết của Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh là quyết định lập ra Trường Thanh niên tiền tuyến như sách Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế nhận định “hướng thanh niên theo Mặt trận Việt Minh”. Không ít học viên của cơ sở này về sau trở thành những cán bộ cao cấp của Quân đội và Nhà nước ta...
Được tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh vô điều kiện, Chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên nhà vua ngay trong ngày hôm sau. Luật sư trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các nhân sĩ trí thức tại Bắc Bộ phủ. Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết Quốc gia, ông Bùi Công Trừng làm Phó Chủ tịch.
Ngày 6/1/1946 bầu cử Quốc hội, trước Phiên họp thứ nhất Quốc hội khoá I, Bác Hồ mời Luật sư Phan Anh đến Bắc Bộ phủ, Bác nói: “Chúng ta cần thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần trao cho những người giữ vị trí trung lập. Bác đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng này”.
Luật sư Phan Anh được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ ngày 2/3/1946. Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cho tới khi bàn giao lại chức vụ này cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 10/1946. Tính đến nay, ông là người duy nhất không làm tướng nhưng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngay sau ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến, Luật sư Phan Anh lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược với tư cách một người cán bộ. Cuộc họp Hội đồng Chính phủ Kháng chiến giáp ngày Tết Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Quyết định bổ nhiệm Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế thay cho ông Phạm Văn Đồng đang đi công tác dài ngày tại miền Nam Trung Bộ.
Sau năm 1954, ông liên tục giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế (từ tháng 5/1951 đổi tên là Bộ Công Thương), Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9/1955-4/1958), Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (từ tháng 4/1958-1976) trong Chính phủ Việt Nam.
Từ năm 1988, ông còn là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội từ khoá II-VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII.
Ông đã sử dụng sự uyên bác ông cũng được giao những trọng trách quan trọng như góp phần xây dựng những Hiến pháp năm 1946, Tổng thuyết trình viên trong Hội nghị Fontainebloo đàm phán với Chính phủ Pháp, xây dựng Tạm ước 14/9 giữa Việt Nam và Pháp, tham dự Hội nghị Geneve bàn về đình chiến ở Đông Dương.
Ngoài ra, ông là người cùng với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, làm Chủ tịch Hội và Thường vụ Hội Luật gia quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới. Trên những cương vị này, ông còn được đánh giá là người góp phần xuất sắc vào phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới và xây dựng thế giới hoà bình đối thoại và hợp tác.
Luật sư Phan Anh mất năm 1990 tại Hà Nội. Ông được Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc, Kỷ niệm chương 100 năm Ngày sinh V.I. Lê Nin, Kỷ niệm chương 40 năm chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.
Luật sư Phan Anh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Lão thành cách mạng, Cán bộ tiền khởi nghĩa; được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương vàng Vận động Hoà bình thế giới, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá Luật sư Phan Anh bằng một cụm từ: “Trọn vẹn”.
Tham khảo:
- Bộ trưởng Phan Anh - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
- Luật sư Phan Anh với tinh thần "nhân nhượng hưng quốc gia" - Báo QĐND
- Luật sư Phan Anh - Niềm tự hào của giới trí thức Luật gia Việt Nam - Truyền hình Quốc hội
- Luật sư Phan Anh - niềm tự hào của trí thức Việt Nam - Báo Pháp luật
- Luật sư Phan Anh - người khai sinh Hội Luật gia Việt Nam - Báo Xây dựng