Nhà máy sản xuất bột cá ‘khủng’ không giấy phép môi trường
Công suất quy mô 2.300 tấn bột cá/năm nhưng nhà máy chưa có giấy phép môi trường theo quy định. Trong khi đó người dân không chịu nổi mùi hôi từ sản xuất của nhà máy này.
Những ngày qua, người dân ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận phản ánh tình trạng mùi hôi từ nhà máy chế biến bột cá thuộc Công ty TNHH IMEXCO - Bình Thuận phát tán ra môi trường khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.
Ông P.V.Đ., nhà gần nhà máy sản xuất bột cá này cho biết, sống ở gần nhà máy rất khổ sở vì mùi hôi bốc ra. “Chúng tôi không cản trở hoạt động của nhà máy nhưng sản xuất phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường” - ông Đ. nói.
Nhà máy sản xuất bột cá tại xã Sơn Mỹ. |
Bà Th. ở thôn 3, xã Sơn Mỹ cho biết từ lúc nhà máy hoạt động đã xảy ra mùi hôi, cứ gió hướng nào là đẩy mùi hôi theo hướng đó nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, các xe đông lạnh chở cá làm nước chảy dọc đường gây ra mùi hôi.
"Người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng mùi hôi từ nhà máy vẫn không chuyển biến" - bà Th. phản ánh.
Trước những phản ánh của người dân địa phương về tình trạng nhà máy bột cá sản xuất ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Đăng Khuynh - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ - cho biết: “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh về tình trạng mùi hôi phát sinh từ nhà máy, địa phương đã ghi nhận”.
Theo ông Khuynh, nhà máy sản xuất từ nguyên liệu cá nên cũng phát sinh mùi, tuy nhiên đánh giá mức độ ô nhiễm hay không thì phải có cơ quan chuyên môn kết luận.
Cũng theo ông Khuynh gần đây nhất vào tháng 8/2024, UBND xã phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hàm Tân đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Nhà máy chế biến bột cá Imexco - Bình Thuận của Công ty TNHH Imexco - Bình Thuận.
Xe tải chở cá nguyên liệu vào nhà máy sản xuất bột cá. |
Theo biên bản kiểm tra Công ty TNHH Imexco - Bình Thuận hoạt động trong năm nay, có quy mô sản xuất 2.300 tấn bột cá/năm. Nhà máy được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào năm 2013. Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà máy vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, khí thải sau xử lý đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường xung quanh. Nghiên cứu thêm các giải pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu mùi phát sinh trong quá trình hoạt động, sản xuất.
Đáng chú ý, mặc dù công ty đã vận hành sản xuất nhưng thời điểm kiểm tra nhà máy sản xuất bột cá chưa có giấy phép môi trường. Theo báo cáo, thì công ty đã lập thủ tục báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường và đang chờ Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận thẩm định, cấp phép theo quy định.
Theo Điều 28, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các dự án đầu tư nhóm I, II, III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý/phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thì phải có giấy phép môi trường. Dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh/thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh không có giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt 150 - 170 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, các dự án đầu tư, cơ sở không có giấy phép môi trường còn bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải từ 3 - 6 tháng; buộc di dời dự án đầu tư, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu địa điểm đang thực hiện dự án đầu tư, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được phê duyệt).
>> Gần 200 cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm tại Bắc Ninh phải di dời, dừng hoạt động