Sau căng thẳng Nga - Ukraine, giá vật liệu xây dựng tăng vọt khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỗ ở những hợp đồng đã ký trước đó.
Ngày 14/3, một số cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) tại TP. HCM báo giá xi măng Hà Tiên 1 tăng thêm 5.000 đồng/bao, lên 92.000 đồng/bao 50 kg và cho biết giá sẽ còn tiếp tục tăng bởi mới đây, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) thông báo sẽ tăng giá bán 100.000 đồng/tấn từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Tương tự, CTCP Xi măng Xuân Thành cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 20/3.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước cũng đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8 - 2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.
Ngày 14/3, theo báo giá của một số cửa hàng VLXD tại Q.7 (TP. HCM), giá thép cuộn D6 và D8 của tất cả các thương hiệu phổ biến đều tăng thêm 600.000 - 900.000 đồng/tấn.
Cụ thể, thép Việt Nhật là 21 triệu đồng/tấn, thép Hòa Phát lên 20,4 triệu đồng/tấn, Pomina lên 20,8 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2021, giá thép các loại đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn và cao hơn đỉnh của năm 2021.
Việc giá VLXD tăng “phi mã” ngay từ quý I của năm đã khiến ngành xây dựng bất động sản điêu đứng, liên đới thị trường. Các nhà thầu quy mô nhỏ với nguồn tài chính eo hẹp và lượng công trình giới hạn càng bị thiệt hại nặng nề.
Giám đốc một công ty xây dựng ở TP Thủ Đức (TP. HCM) chia sẻ, doanh nghiệp của ông chuyên thi công các công trình dân dụng, đặc biệt là cải tạo nhà cửa, hàng quán, nên việc thương lượng với các chủ nhà gặp nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng sau khi nghe báo giá xong là chạy hoặc hẹn một thời gian sau giá cả ổn định hơn sẽ thi công.
Chủ một doanh nghiệp xây dựng khác cũng cho biết, hiện tại việc chốt hợp đồng với doanh nghiệp rất khó. Giá vật liệu tăng giá nên giá thi công công trình cũng phải đẩy lên tương xứng, nhưng vì vậy mà khách hàng ngưng luôn kế hoạch thi công. Không có công trình thì doanh nghiệp cũng không thể có tiền để trang trải.
Trong bối cảnh hiện nay, cả các công ty xây dựng lẫn chủ đầu tư đều chịu thiệt hại nặng nề. Với những nhà thầu có nền tảng tài chính và khả năng kiểm soát giá tốt thì có thể có chịu đựng dài hơi trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Còn doanh nghiệp yếu chỉ duy trì được trong ngắn hạn.
Tình cảnh chung hiện nay của các công ty xây dựng là hiện rất khó thương lượng với các chủ đầu tư theo hình thức trượt giá, đa số đều yêu cầu ký đơn giá cố định.
Trong khi đó, thị trường biến động phức tạp, liên tục nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quyết định mức giá cố định phù hợp để chào thầu tại thời điểm đang đàm phán. Chính vì vậy, quá trình đàm phán bị kéo dài, hai bên khó đi đến thỏa thuận chung.
Thậm chí, tình hình còn nặng nề hơn với các hợp đồng đã ký, bởi việc thương lượng điều chỉnh giá đã chốt theo mức giá tăng của thị trường càng khó khăn.
Vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này là tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng sẽ còn kéo dài đến khi nào. Việc giá cả tăng khó dự đoán đang khiến các doanh nghiệp khó kiểm soát nguồn kinh phí dự trù.
Hơn nữa, trong trường hợp giá cả được bình ổn trở lại sau đó thì thị trường cũng sẽ có thiết lập một mặt bằng giá mới ăn theo phần giá chi phí vật liệu đã tăng trong giai đoạn trước đó.