Nhà thầu Hitachi cũng thông báo tiến độ ITC có thể bị đẩy lùi đến cuối tháng 7/2024.
Trong báo cáo khẩn vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho biết, tuyến Metro số 1 hiện đang vướng mắc tồn đọng và kiến nghị phương án giải quyết.
Thông tin từ Tuổi trẻ Online, MAUR đã cho biết, theo tiến độ trong tất cả các cuộc họp từ cuối năm ngoái đến nay, Hitachi luôn khẳng định sẽ hoàn thành công tác ITC (một công tác chuyên môn trong Metro 1) vào cuối tháng 5/2024.
Tuy nhiên gần đây, nhà thầu Hitachi đã phản hồi về tiến độ ITC (công nghệ dùng trong quản lý và vận hành metro) có thể bị đẩy lùi đến cuối tháng 7/2024. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi công tác hoàn thành dự án.
Đồng thời, về hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng 5 năm, trong các cuộc họp và qua các văn bản trao đổi về hợp đồng bảo dưỡng, nhà thầu Hitachi vẫn bảo lưu quan điểm về hợp đồng bảo dưỡng này là một hợp đồng độc lập. Hitachi đề xuất mức giá cao hơn gấp 3,5 lần so với giá cơ sở trong hợp đồng gốc.
Nhà thầu Hitachi đòi đơn giá bảo dưỡng tăng 3,5 lần |
Quan điểm của MAUR và Liên danh NJPT cho rằng, hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng này là một cấu phần của hợp đồng gốc gói thầu số 3, dựa trên khoản tạm tính 2 trong hợp đồng gốc, trong đó nhà thầu Hitachi phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu đối với công tác bảo dưỡng theo hợp đồng gói thầu số 3. Nếu Hitachi không thực hiện thì có thể xem như nhà thầu này đã vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra còn một vài vướng mắc về sử dụng thiết bị và hạ tầng, phối hợp trong giai đoạn thử nghiệm,...nhà thầu Hitachi vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và làm ảnh hưởng tiến độ chung của toàn dự án.
MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) quan tâm làm việc với Lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Hitachi để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của dự án đường sắt đô thị số 1 TP.HCM.
Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa tuyến metro số 1 đưa vào khai thác phục vụ người dân, MAUR đề xuất thành lập Ban xử lý tranh chấp. Hiện nay, trong hợp đồng chưa có chi phí thành lập và chi phí thực thi kết quả của Ban này. Vì vậy, cần có ý kiến hướng dẫn cụ thể nội dung này nếu phải bổ sung hạng mục chi phí này vào các hợp đồng của dự án.
Ngay cả trường hợp Ban xử lý tranh chấp đưa ra quyết định và cả 2 bên tham gia hợp đồng đồng thuận với quyết định đó thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mặt quy định pháp luật trong việc công nhận hiệu lực của quyết định của Ban xử lý tranh chấp để thực thi. Do đó, MAUR đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn pháp lý về các nội dung nêu trên trước khi thực hiện.
Tuyến Metro số 1 hay còn gọi là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là một tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đang được xây dựng và hiện tại dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào quý IV/2024. Tuyến đường sắt này có đoạn đi ngầm dài 2,6km qua 3 ga và đoạn đi trên cao 17,1km qua 11 ga, tổng chiều dài là 19,7km.
Mỗi toa dài 61,5 m, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Theo thiết kế, đoạn trên cao thuộc tuyến metro cho tàu chạy tốc độ tối đa 110 km/h và 80 km/h đối với đoạn ngầm.
>> Tuyến Metro số 1 nối 3 tỉnh thành, thêm cơ hội lớn cho kinh tế Đông Nam Bộ
Đề xuất kéo dài metro lên 500km, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ USD tại thành phố đông dân nhất Việt Nam
Metro số 2 TP. HCM chưa sẵn sàng khởi công dù đã có 90% mặt bằng sạch