Nhận diện 4 nguyên nhân gây "sốt đất" thời gian qua

09-06-2022 13:34|Quốc Việt

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, hiện tượng "sốt đất" ảo đã xuất hiện tại nhiều địa phương và gây ra nhiều hoang mang đối với chủ đầu tư dự án cũng như khách hàng.

Có thể hiểu "sốt đất" hay "sốt đất" ảo là cụm từ xuất hiện nhiều trên các mặt báo trong thời gian qua, chỉ về sự gia tăng giá đất trên diện rộng với mức tăng đột biến bất thường trong thời gian ngắn. Đó là tình trạng giá bất động sản tăng cao nhưng không ai mua, không có thanh khoản gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Tình trạng "sốt đất" đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Điển hình như  trong những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 giá nhà đất liên tục tăng tại các tỉnh phía Bắc với tâm điểm là khu vực vùng ven Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nam.

Còn đối với khu vực phía Nam, tình trạng sốt đất tăng xảy ra từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. "Sốt đất" đã "phủ sóng" từ các quận huyện vùng ven TP.HCM đến các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, sau đó lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh, Long An hay các khu vực Phan Thiết. Xa hơn là các vùng Tây Nguyên như Bảo Lộc, Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Đắk Nông cũng xảy ra tình trạng "sốt đất".

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng "sốt đất"?

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã chỉ ra những nguyên nhân chủ đạo dẫn đến thực trạng "sốt đất" như hiện nay.

Thông tin quy hoạch, đầu tư các dự án lớn: Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế mở cửa sẽ đến thời điểm các địa phương sẽ công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng, quy hoạch, dự án. Do đó, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu chú ý và xây dựng chiến lược đón đầu. Các nhà đầu tư sẽ tìm đến những khu vực xuất hiện thông tin quy hoạch và đó là lý do khiến  giá bất động sản ở những khu vực này bị đẩy lên cao.

Các địa phương cũng bắt đầu mở rộng đầu tư phát triển các khu công nghiệp, để thu hút nguồn vốn FDI, phục hồi kinh tế,… tác động tới tâm lý nhà đầu tư, khiến họ tập trung tìm kiếm các quỹ đất, sản phẩm để tận dụng được các yếu tố phát triển kinh tế.

Nguồn vốn chảy vào bất động sản tăng mạnh: Lãi suất tiền gửi đã ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới và mở rộng kinh doanh rất hạn chế do ảnh hưởng dịch bệnh khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh đầu tư đang nóng như bất động sản.

Đáng chú ý, trong giai đoạn cuối năm 2021, do sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán, một dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong số "F0" tham gia thị trường có không ít nhà đầu tư “lướt sóng”, dòng vốn đầu tư vào bất động sản mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi.

Khan hiếm nguồn cung: Cũng trong năm 2021, các dự án bất động sản mới được cấp phép liên tục giảm xuống khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho người có thu nhập thấp hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư, nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản tăng lên.

Giá nguyên vật liệu xây dựng: Hiện nay, giá cả của nguyên vật liệu đang có dấu hiệu tăng chóng mặt đặc biệt là thép và xi măng. Thêm vào đó, rào cản từ yếu tố pháp lý, sự mất cân đối cung - cầu và hệ lụy từ những cuộc đấu giá đất rồi bỏ cọc, khiến mặt bằng giá nhà đất liên tục bị đẩy lên cao.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tăng giá đất không chỉ do “cò đất” tung tin, mà còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập cũng là nguyên nhân gây sốt đất thời gian qua.

Chính thức từ hôm nay, Bệnh viện Nhi 800 tỷ ở Hà Nội đi vào hoạt động

Vẫn loay hoay với xe dù, bến cóc

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhan-dien-4-nguyen-nhan-gay-sot-dat-thoi-gian-qua-133801.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhận diện 4 nguyên nhân gây "sốt đất" thời gian qua
POWERED BY ONECMS & INTECH