Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, với áp lực giảm điểm duy trì đến cuối phiên giao dịch 6/5, có khả năng VN-Index sẽ cần thời gian để kiểm tra lại vùng 1.315 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 6/5
Phiên giao dịch chiều 6/5/2022 diễn ra với những biến động không mấy tích cực. Sau những phút giằng co đầu phiên chiều, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh từ khoảng 14h khiến hàng loạt nhóm ngành giảm sâu.
Các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí, bán lẻ... bị chốt lời mạnh và hầu hết đều giảm điểm, hàng loạt mã mã giảm sàn "trắng bên mua".
Các nhóm cổ phiếu dòng đầu cơ như Louis, FLC, Trí Việt, DNP, Gelex cũng đồng loạt giảm hết biên độ.
Tại nhóm vốn hóa lớn, GAS là thành viên duy nhất trong rổ VN30 tăng điểm trong phiên hôm nay, bên cạnh KDH đứng tham chiếu. Chiều ngược lại, SSI giảm sàn, STB,GVR, HDB, FPT giảm trên 4%.
Điểm sáng đến từ nhóm cổ phiếu thủy sản với ANV tăng trần, IDI, VHC, CMX, ABT, ACL tăng tốt; tương tự, cổ phiếu bảo hiểm như MIG, PGI, PVI cũng giao dịch khởi sắc ngược xu hướng của thị trường.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 31,42 điểm (2,31%) lên 1.329,26 điểm; HNX-Index giảm 15,29 điểm (-4,26%) xuống 343,46 điểm; UPCoM-Index giảm 1,94 điểm (-1,87%) xuống 101,88 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.724 tỷ đồng - tăng 2% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 2,5% lên 14.792 tỷ đồng.
Khối ngoại có phiên bán ròng khoảng 150 tỷ đồng trên sàn HOSE, lực bán tập trung chủ yếu tại một số mã như VCB, KBC, NVL, VIC,…
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 9/5
CTCK SHS: Khó có thể giảm mạnh
Sau năm tuần giảm liên tiếp, định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng 14,5 lần và P/E của VN30 là khoảng gần 14 lần - đều thấp hơn mức trung bình 5 năm gần đây.
Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì tình hình lại trở nên tiêu cực hơn với việc VN-Index đánh mất ngưỡng 1.350 điểm trong tuần qua để bước vào sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm (Fib 38,2% sóng tăng 5).
Rủi ro hiện tại có lẽ đến nhiều hơn từ tâm lý nhà đầu tư với câu nói nổi tiếng được truyền tai trên thị trường "sell in may and go away". Tuy nhiên, với việc đã giảm mạnh trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng khả năng tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới là khó có thể xảy ra.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.300 điểm (MA20 tháng) được giữ vững.
CTCK Rồng Việt (VDSC): Kiểm tra lại mốc 1.315 điểm
Nhịp hồi phục của VN-Index không được tiếp diễn và quay đầu giảm điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy dòng tiền vẫn trong trạng thái thận trọng.
Với áp lực giảm điểm duy trì đến cuối phiên giao dịch 6/5, có khả năng VN-Index sẽ cần thời gian để kiểm tra lại vùng 1.315 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Xu hướng giảm điểm chiếm ưu thế
Thị trường bước vào tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ khá ảm đạm với hai phiên giảm mạnh, áp đảo hoàn toàn so với một phiên xanh điểm do kéo nhóm cổ phiếu trụ.
Thông tin nổi bật trong tuần đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 2000.
Thị trường tài chính sụt giảm rất mạnh trước những thông tin trên và chứng trường Việt cũng không ngoại lệ. Đặc biệt áp lực bán rất mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước diễn ra trên nhiều nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, xây dựng, ngân hàng, bán lẻ..
Trên biểu đồ tuần, xu hướng giảm điểm vẫn đang chiếm ưu thế. Chúng tôi kỳ vọng chỉ số sẽ hồi phục lên ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.420 điểm trước khi tiếp diễn xu hướng giảm, nhưng diễn biến thực tế đã không như kỳ vọng.
Cơ cấu danh mục ETF vào ngày 20/12, hàng triệu cổ phiếu NVL, HPG, SSI, VND dự kiến bị bán ra
Những nhóm ngành nào nhà đầu tư cần chú ý trong tháng cuối năm 2024?