Nhận tin nhắn lạ, 60 giây sau tài khoản 'bốc hơi': Hé lộ thủ đoạn lừa đảo cực tinh vi
Chỉ sau một tin nhắn lạ chứa mã OTP, tài khoản ngân hàng của nạn nhân "bốc hơi" chỉ sau 1 phút. Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao khiến ai cũng rùng mình.
Một sự việc hy hữu đã xảy ra tại Trung Quốc khi cô Tống, một người phụ nữ, bị mất 50.000 tệ (khoảng 175 triệu đồng) chỉ trong vòng 60 giây sau khi nhận được một tin nhắn chứa mã OTP. Điều đáng nói, cô khẳng định không nhấp vào bất kỳ đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện bất cứ thao tác nào.
Đường dây rút ruột tài khoản ngân hàng bí ẩn
Khi phát hiện tài khoản ngân hàng "bốc hơi" giữa đêm, cô Tống lập tức báo cảnh sát. Tuy nhiên, vụ việc khiến cảnh sát bất ngờ vì khác hoàn toàn với các trường hợp lừa đảo trước đây. Hầu hết các nạn nhân thường bị dụ cung cấp thông tin hoặc tự thực hiện giao dịch sau khi bị lừa, nhưng trong trường hợp này, tiền đã bị rút ngay sau khi cô nhận tin nhắn OTP mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ cô.
Điều tra ban đầu cho thấy số tiền của cô Tống được chuyển vào tài khoản của một người đàn ông họ Trương. Tuy nhiên, khi cảnh sát xác minh, anh Trương khẳng định hoàn toàn không biết gì về khoản tiền này hay việc thẻ ngân hàng của mình bị sử dụng trong vụ lừa đảo.
Lần theo dấu vết giao dịch, cảnh sát phát hiện một đối tượng khác sử dụng thẻ ngân hàng của anh Trương để rút tiền tại nhiều cây ATM ở Quảng Đông. Đối tượng này hành động rất tinh vi, liên tục di chuyển giữa các điểm ATM, dùng xe để tránh bị theo dõi và sau đó biến mất sau mỗi lần rút tiền.
Sau khi bắt giữ đối tượng, cảnh sát phát hiện hắn chỉ là một mắt xích cuối trong đường dây, chịu trách nhiệm rút tiền và chia lại cho đồng bọn. Các giao dịch và thông tin về nạn nhân đều do một người họ Trần chỉ đạo từ xa.
Kẻ mạo danh anh Trương đi rút tiền tại nhiều cây ATM khác nhau, nguồn: Sohu |
"Ông trùm" và thủ đoạn công nghệ cao
Đường dây lừa đảo này được tổ chức rất bài bản với Trần là kẻ cầm đầu. Trần điều hành mọi hoạt động từ xa, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gây nhiễu sóng điện thoại, hạ kết nối xuống 2G, sau đó khai thác lỗ hổng bảo mật để giả mạo trạm phát sóng và lấy cắp mã OTP từ nạn nhân.
Kế hoạch của chúng diễn ra chủ yếu vào đêm muộn, khi mọi người đang ngủ say. Sau khi chiếm đoạt số tiền lớn, chúng ngay lập tức phân tán thành viên đi rút tiền mặt tại nhiều địa điểm khác nhau để xóa dấu vết.
Điều đáng sợ hơn là các thành viên trong đường dây này hoạt động rải rác khắp Trung Quốc và phối hợp thông qua các phần mềm đặc biệt không để lại dấu vết. Hệ thống này được xây dựng rất tinh vi, với mỗi người chỉ đảm nhận một vai trò nhất định mà không biết toàn bộ kế hoạch.
Sau nhiều ngày điều tra, cảnh sát Hồ Nam phát hiện Trần đang sống trong một khu chung cư cũ kỹ. Không vội bắt giữ, họ âm thầm theo dõi để tìm ra toàn bộ "hang ổ" của đường dây. Vài ngày sau, khi Trần thực hiện một phi vụ mới và di chuyển đến một khách sạn ở ngoại ô, lực lượng chức năng đã ập vào và bắt giữ hắn.
Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ nhiều thiết bị điện tử chuyên dụng như máy gây nhiễu sóng, thiết bị giả mạo trạm phát sóng và các công cụ phục vụ việc lấy cắp mã OTP. Trần thừa nhận mình là người đứng đầu đường dây và mô tả chi tiết cách chúng khai thác công nghệ để chiếm đoạt tài sản.
Nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát ở nhiều tỉnh thành, 15 đối tượng trong đường dây này đã bị bắt giữ, với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 300 vạn NDT (hơn 10 tỷ đồng).
Nhờ báo cáo kịp thời, khoản tiền của cô Tống đã được cảnh sát và ngân hàng phối hợp phong tỏa, giúp cô lấy lại được số tiền bị mất. Vụ việc này là lời cảnh báo cho mọi người về các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Việc nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân và thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng là điều cần thiết để tự bảo vệ trước những rủi ro này.