Nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM rơi vào tình trạng chậm tiến độ vì đâu?
Qua quá trình giám sát, HĐND TP.HCM ghi nhận nhiều dự án đang ở tình trạng chậm tiến độ, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như dự án Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Thời gian qua, HĐND TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi giám sát hơn 300 dự án trên địa bàn nhưng đến nay tiến độ loạt công trình trên vẫn chậm, rơi vào tình trạng "treo".
Tính tới thời điểm hiện tại, trong số các dự án được kỳ vọng về đích nhiều nhất, hai dự án Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) còn gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, dự án Metro số 1 được khởi công vào tháng 8/2012, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Metro số 1 với thời gian hoàn thành là vào quý 4/2021.
Nhưng đến đầu quý 2 năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị này, trong đó ấn định thời điểm hoàn thành thi công tuyến Metro 1 vào cuối quý 4/2023.
Mặc dù vậy, mới đây Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) đã gửi công văn khấn kiến nghị UBND TP xin gia hạn thời gian thi công dự án Metro số 1 dời sang năm 2024 để hoàn thành. Trong kiến nghị, đại diện MAUR trình bày còn nhiều khó khăn trong các khâu về thanh toán khối lượng còn lại; quyết toán các hợp đồng thi công, tư vấn, các hạng mục còn lại; hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng; thời gian thông báo khiếm khuyết của dự án nhằm đưa dự án vào vận hành…
Tương tự, chủ đầu tư tuyến Metro số 2có lộ trình Bến Thành - Tham Lương cũng vừa được UBND TP.HCM đồng ý cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm rời thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đến hết năm 2030 và hai năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành đến hết năm 2032.
Trước đó, dự án đã UBND thành phố ưu tiên giao Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý, chính sách bồi thường để đẩy nhanh tiến độ. Trên thực tế đến ngày 22/6 gói thầu đầu tiên về di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2 đã được tổ chức khởi công sau 11 năm chờ đợi. Thế nhưng, việc UBND TP phải tiếp tục điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đã cho thấy các khó khăn rất lớn mà siêu dự án Metro này đang gặp phải hiện nay.
Không chỉ đối với các dự án trọng điểm đường sắt đô thị, trong lĩnh vực hạ tầng chống ngập đô thị, siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM nhằm phục vụ khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm thành phố được khởi công từ năm 2016 sau nhiều lần trì hoãn và tạm dừng cũng chắc chắn không kịp tiến độ về đích.
Dự án này là công trình trọng điểm của thành phố, được ưu tiên trong chương trình đột phá giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dự kiến hoàn thành từ năm 2018. Thế nhưng, đến nay tiến độ của dự án vẫn rất chậm và thường xuyên là câu hỏi được cử tri, người dân thành phố đặt ra cho các lãnh đạo thành phố mỗi lần gặp gỡ, đối thoại.
Bên cạnh đó, tại 13 dự án được UBND TP.HCM trình HĐND thành phố đề xuất vào danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2023 từ tháng 7/2023, đến nay cũng đang chậm tiến độ.
Điều đáng nói, trong danh sách này HĐND thành phố không thông qua 4 dự án tại thời điểm đề xuất, trong đó có dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Liên quan đến dự án cao tốc này được UBND thành phố đề xuất ưu tiên thu hồi đối với hơn 204ha ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi). Trước đó, từ giữa tháng 4/2023 Sở Giao thông Vận tải đã đưa ra các tiêu chí đề xuất đưa cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc này là khoảng 20.889 tỷ đồng. Dự án này có tầm quan trọng rất lớn để hỗ trợ với quốc lộ 22 hiện hữu vốn đang quá tải để khơi thông hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển toàn vùng kinh tế phía Nam.
Dù vậy, đề xuất của UBND TP.HCM liên quan đến thu hồi đất dự án này vẫn tiếp tục phải chờ đợi và chưa thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiến độ. Do chậm thực hiện dự án, hiện nay Quốc lộ 22 chịu sức ép rất lớn về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Hà Nội chính thức dừng chủ trương đầu tư một dự án vị trí đắc địa đường Lê Văn Lương