Nhiều người Việt phá sản vì tiền số: Vì sao chưa cấm cửa "sòng" Binance?

29-06-2022 12:35|Thảo Nguyên

Thị trường tiền ảo thường xuyên xuất hiện những phiên "quét râu", kill long, diệt short. Nghĩa là, mua cũng thua, bán cũng thua, người giỏi mấy cuối cùng cũng thua dưới tay nhà tạo lập thị trường.

Hồi đầu tháng 6 năm nay, hàng loạt báo chí đưa tin vụ Công an tỉnh Sơn La tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam lớp phó học tập Đào Thị Hiền Trang (34 tuổi, ở huyện Mai Sơn, Sơn La) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo công an, Trang là lớp phó học tập, được giao thu tiền học phí của 45 học viên với số tiền hơn 300 triệu đồng. Sau khi thu tiền, Trang không nộp cho nhà trường mà đầu tư vào app tiền ảo có tên BINANCE trên mạng. Đầu tư thua lỗ, Trang không thể hoàn trả số tiền. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị áp dụng khung hình phạt 5-12 năm tù.

Tương lai của một người trẻ tuổi, giỏi giang dừng lại ở đó, có thể rất lâu sau khi trả giá bằng tiền, sự tín nhiệm, sự tự do thì Trang mới có thể bước tiếp được chặng đường đời.

tao.jpg

Nỗi đau của những nhà đầu tư tiền ảo

Trường hợp như Trang không phải là ít. Thậm chí, so với nhiều người khác, có lẽ Trang còn may mắn khi vẫn còn cơ hội làm lại sau khi trả giá đắt cho sai lầm. Hồi tháng 1 năm nay, một nam thanh niên treo cổ tự tử ở phòng trọ. Vụ việc đau lòng xảy ra ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thông tin được những người xung quanh chia sẻ là nạn nhân quyết định ra đi do thua lỗ tiền ảo: "Sau thời gian vay mượn, cầm cố tài sản và mất trắng tất cả, thanh niên đã chọn cách quyên sinh". Và cũng theo thông tin lan truyền thì bố mẹ nam thanh niên này đã thế chấp nhà và cả mảnh đất để cho con làm ăn. Bây giờ mất trắng thì con trai họ lựa chọn cách ra đi. Khoản nợ ngân hàng vẫn còn đó và bố mẹ không có khả năng trả.

Gần đây, cũng có nhiều vụ tự tử xảy ra . Dù những người ở lại đã vì người ra đi nên không nỡ bàn sâu nhưng những thông tin lan truyền trên mạng khiến ai cũng biết đằng sau những cái kết đau lòng đó là Luna, là Bitcoin, là Axie, là Waves, là BNB, là Ethereum, là Dogecoin...

Báo chí nước nhà bắt đầu chú ý đến hệ lụy do tiền số gây ra cho xã hội khi nhiều người lỡ sa chân vào "sòng bạc" tiền số khủng hoảng trên diện rộng. Sự khủng hoảng do thua lỗ của giới đầu tư tiền ảo lan rộng mọi ngóc ngách trong xã hội khi mà số lượng người tham gia vào "sòng bạc" tiền số lên đến con số không tưởng. Theo một khảo sát mới đây, Việt Nam xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người nắm giữ tiền điện tử, tiền ảo nhiều nhất thế giới. Đa số những người sở hữu tiền ảo đều là người trẻ tuổi từ 18 đến 34. Số lượng này chiếm khoảng 40%.

Và, đã có rất nhiều người ở độ tuổi rực rỡ nhất đã phá sản, có người chọn "dừng cuộc chơi", ra đi để thoát kiếp nợ nần. Có người vì mất tất cả - đã không vượt qua được những chuẩn mực đạo đức xã hội và vướng tiếp vào vòng xoáy lừa đảo cả những người thân quen, bạn bè, thầy cô để có tiền mong cứu lại được những gì đã mất. Càng cứu, càng lỗ và càng chìm sâu trong khủng hoảng.

Chính tôi-người đang viết bài viết này-cũng từng là nạn nhân. Một người từng là đồng nghiệp, là bạn mà tôi tin tưởng đã gọi điện cho tôi lúc nửa đêm để vay tiền. Họ nói, họ vay tiền vì người nhà vào bệnh viện. Tôi tin. Tôi đã gặp cú sốc khi chỉ nửa tháng sau đó đã nghe tin dữ không ai muốn nhắc đến nhất. Lúc này, tôi mới biết. Tôi không nỡ trách họ vì họ cũng là nạn nhân, nạn nhân của "sòng tiền ảo", nạn nhân của lừa đảo 4.0 mà chính họ ngộ nhận họ là nhà đầu tư chân chính.

Giấc mơ công nghệ bị lợi dụng

Khi sự đổ vỡ đã hình thành, lan rộng, nhiều người mới giật mình nhìn lại: Vì sao xung quanh mình lại nhiều người lao vào "sòng" tiền ảo đến như thế? Hấp lực nào khiến tiền ảo thu hút cả những người tỉnh táo nhất, những người giỏi giang nhất và đặc biệt, cả những người làm ngành công nghệ vốn dĩ không quá quan tâm đến đầu tư?

Gốc rễ vấn đề có lẽ phải bắt đầu từ giấc mơ công nghệ của giới trẻ. Blockchain xuất hiện gây xôn xao cộng đồng tài chính, công nghệ. Theo định nghĩa, công nghệ chuỗi khối Blockchain dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn, không thể bị phá hỏng. Công nghệ Blockchain đóng vai trò như một sổ cái kỹ thuật số, nơi giám sát chặt chẽ những giao dịch tài chính và mọi thứ thông tin có giá trị... Ứng dụng của blockchain vào sản xuất, giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, bán lẻ...là điều dễ nhìn thấy được. Nhiều bài toán khó được giải nhanh chóng nhờ Blockchain. Giấc mơ công nghệ được khơi dậy và nhiều cá nhân am hiểu công nghệ, startup đã nhảy vào sân chơi thú vị, mới mẻ này.

Cũng lúc đó, Bitcoin-thứ tiền ảo được tạo ra bằng công nghệ blockchain-được tung hô mạnh mẽ. Khái niệm blockchain và Bitcoin dần bị đánh đồng. "Chủ sòng bạc" đã lợi dụng đam mê tìm hiểu những điều mới mẻ của dân công nghệ để quảng bá tiền ảo. Hàng loạt người từ mê công nghệ, tìm hiểu về những sản phẩm tài chính mới đã vô tình biến mình trở thành con bạc trên "sòng" tiền ảo. Ban đầu đa phần chỉ mở tài khoản đầu tư thử tiền ảo cho biết. Dần dần, họ bị cuốn giữa đam mê học hỏi và đam mê kiếm tiền nhanh kiểu công nghệ. Thời kỳ đầu, đầu tư vào tiền ảo giống như "việc nhẹ thu nhập cao", với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, chỉ cần chọn cửa Long - cửa Short đúng là người chơi đã có thể kiếm tiền tỷ dễ dàng mà chẳng mất quá nhiều mồ hôi, nước mắt. Sự hứng khởi biết thêm điều mới mẻ kèm những đồng tiền dễ kiếm khiến nhiều người u mê trong chuỗi các vấn đề càng lúc càng mới lạ. Một số startup cũng thử mày mò tạo ra tiền ảo theo "công thức" học được đâu đó, một số người mê hoặc và lan truyền sự mê hoặc đó cho những người xung quanh. Và rồi, tiền ảo như một con virus, lan truyền từ người này sang người khác một cách nhanh chóng.

Thị trường tài chính chưa bao giờ là một sân chơi dễ dàng. Cũng giống như F0 trên thị trường chứng khoán Việt Nam - những người "ăn" được đôi ba nhịp đầu trên "sòng" tiền ảo đa phần là những người đi qua thị trường đúng giai đoạn phát triển rầm rộ nhất. Khi các "con bạc" đã say men chiến thắng, lan tỏa chiến thắng nhất thời đó sang bạn bè, người thân và đặt cược toàn bộ những gì đã có, những gì đã vay nợ được vào trò chơi thì sự sụp đổ bắt đầu.

Thị trường tiền ảo thường xuyên xuất hiện những phiên "quét râu", kill long, diệt short. Nghĩa là, mua cũng thua, bán cũng thua, người giỏi mấy cuối cùng cũng thua dưới tay nhà tạo lập thị trường. Thậm chí mới gần đây, "game" Luna khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay chỉ sau một đêm. Khi không ai nghĩ rằng một đồng stablecoin lại giảm xuống dưới 1 USD hay đồng tiền mã hóa thuộc hàng top và được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng lại có thể chia triệu lần thì điều đó xảy ra. Nhiều người vì lòng tin mơ hồ đã rót cả gia tài vào bắt đáy Luna với sự tự tin không buồn đặt lệnh stoploss thì sau một đêm, tài khoản tiền tỷ chỉ còn lại tiền đủ mua cốc trà đá.

Tỷ phú công nghệ Bill Gates nói: "Tiền số và NFT là cú lừa dựa trên ‘lý thuyết kẻ ngốc hơn’". Lý thuyết "kẻ ngốc hơn" (Greater Fool) cho rằng bạn có thể kiếm lợi từ việc đầu tư miễn là ngoài kia có một kẻ ngốc hơn bạn, sẵn sàng đầu tư ở một giá cao hơn! Tiền số có giá trị gì? Hôm nay 1 Bitcoin đổi lấy 65.000USD, ngày mai có thể chỉ còn 20.000USD và biết đâu một ngày sẽ chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Không có thước đo nào cho giá trị một đồng tiền ảo mà nhà đầu tư đang trả giá bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí là sinh mạng cả. Cũng chẳng ai dùng "biến số" luôn thay đổi theo cung cầu của những kẻ ngốc hơn để làm thước đo tài sản.

Nhà đầu tư mất trắng, kiệt quệ, thậm chí nhiều người rơi vào trạng thái đáng buồn là vỡ nợ và phải trả giá bằng sinh mệnh của mình. Kết thúc bản thân và kết thúc trò chơi, để lại sự xót xa cho những người còn tỉnh.

Nhiều quốc gia đã cấm cửa Binance, vì sao "sòng bạc online" vẫn ngang nhiên tồn tại ở Việt Nam?

Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên nhìn thấy nguy cơ từ thị trường tiền mã hóa và mạnh tay siết chặt. Việc cấm từ đào, giao dịch tiền ảo và sở hữu tiền ảo vào năm 2017 đã khiến Binance dù được thành lập ở Trung Quốc bởi Triệu Trường Bằng biệt danh CZ nhưng phải chuyển trụ sở ra nước ngoài. "Đất mẹ" Trung Quốc không chấp nhận "sòng bạc" Binance nhưng Binance vẫn trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới khi liên tục "chạy" sang nước này, nước nọ.

Vào khoảng tháng 6/2021, chính phủ Anh cũng nhận thấy những rủi ro từ ngành công nghiệp tiền mã hóa và ra quyết định cấm cửa sàn giao dịch Binance. Cơ quan quản lý tài chính của Anh đã yêu cầu Binance dừng mọi hoạt động pháp lý tại Anh cũng như cả các công ty có liên quan bao gồm Binance Markets Limited và công ty mẹ Binance Group. Tuy lý do của việc "cấm cửa" không được đưa ra nhưng lo ngại của các cơ quan quản lý thường liên quan đến vai trò tiềm tàng của tiền mã hóa trong các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và gian lận, đồng thời để bảo vệ nhà đầu tư trước một loại hình giao dịch mới vốn ít người hiểu rõ.

Tháng 7 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cũng thực hiện những bước đi nhằm siết chặt quản lý thị trường tiền số. Ủy ban chứng khoán Thái Lan (SEC) đã nộp đơn khiếu nại hình sự chống lại sàn giao dịch tiền số Binance vì tội kinh doanh không có giấy phép.

Chính phủ Nhật Bản vào cuối tháng 6/2021 cũng nhận định sàn Binance đang hoạt động trái phép trên lãnh thổ của họ. Cũng khoảng nửa đầu năm 2021, nước Đức cảnh báo sẽ phạt Binance vì tổ chức giao dịch tiền số bất hợp pháp. Trong khi đó, chính phủ Mỹ điều tra sàn Binance vì nghi ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Các cơ quan quản lý Hàn Quốc cũng đưa ra quy định mới và đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tiền điện tử.

Câu hỏi đặt ra là, những hệ lụy từ tiền số đã và đang tác động sâu đến đời sống, xã hội, nền kinh tế Việt Nam, vì đâu "sòng" Binance nói riêng và những sòng tiền ảo khác nói chung vẫn chưa bị cấm cửa trpng khi nhiều nước khác đã mạnh tay cấm? Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi thông điệp rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Nhưng, như thế đã đủ chưa? Chắc chắn là chưa. Ở vai của Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của họ chỉ dừng lại ở những thông điệp cảnh báo. Việc đầu tư tiền ảo ở Việt Nam đã trở nên phổ biến đến mức giới trẻ hầu như ai cũng biết. Dòng tiền từ túi người Việt đã và đang đi ra khỏi Việt Nam theo các sòng tiền ảo nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa cấm cửa các "sòng".

tiea(1).jpg

Nếu thời gian có quay trở lại

CZ sang "thăm" Việt Nam. CZ giàu. Theo thống kê mới đây của Bloomberg, tài sản của CZ lên đến 96 tỷ USD, sánh ngang những tỷ phú giàu có nhất thế giới như Mukesh Ambani, Mark Zuckerberg... CZ mới giàu có vài năm gần đây sau khi lập sòng Binance. Thông thường, người giàu, người giỏi sẽ được người ta ngưỡng mộ, muốn gặp gỡ, giao lưu, học hỏi. Thế nhưng, khi CZ sang Việt Nam, nhiều comment trên mạng xã hội đã thẳng thừng nói: "Chủ sòng bạc sang thăm con bạc để làm gì, lùa gà tiếp sao?" "Trả dép đây tôi không chơi nữa"...Không ít người lỡ rót tiền đầu tư tiền ảo đã nhận ra: trong game này, họ chỉ như những con lừa, là kẻ ngốc hơn.

Trải qua những sự kiện đáng nhớ trên thị trường chứng khoán như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá cổ phiếu thì mới thấy, "cá mập" dùng nhiều thủ đoạn khó lường khiến túi tiền của nhà đầu tư cạn kiệt. Những cú "quét râu, kill Long, diệt Short" trên thị trường tiền ảo liệu có hay không có bàn tay thao túng của những kẻ tư lợi? Ở thị trường chứng khoán có khung pháp lý rõ ràng thì nhà đầu tư còn mong đợi vào việc hoàn trả giao dịch thao túng giá, còn thị trường tiền ảo khi tất cả các app đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ cơ quan chức năng nào của Việt Nam thì thiệt hại của nhà đầu tư biết kêu ai? Giờ đây, nhiều nhà đầu tư chỉ mong lấy lại được chút tiền đã mất.

Thế nhưng, ai giúp họ?

Sa chân vào trò chơi 4.0 khi hành lang pháp lý không có, cũng không có ai cấm đoán nên giờ đây, nhiều người đã bị mất trắng tiền của, cuộc sống rơi vào thảm cảnh vỡ nợ, nghèo đói nhưng họ đành chịu đau. Lỗi một phần tại họ. Điều ước lớn nhất của những nhà đầu tư đã và đang phá sản là mong sao pháp luật Việt Nam có thể lấy lại cho họ chút công bằng. Binance là nền tảng nước ngoài, hoạt động ngoài vòng khuôn khổ pháp luật Việt Nam và cũng chẳng đóng góp đồng ngân sách nào cho nước Việt. Họ đã và đang thu được nhiều lợi ích kinh tế từ phí giao dịch của những nhà đầu tư Việt một cách ngang nhiên, bất hợp pháp nhưng vô can với mọi vấn đề pháp lý. Mới gần đây, án tuồn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài bị phanh phui cho thấy một thực tế là tiền Việt đã và đang có nhiều cửa hổng chui lọt lỗ kim để ra nước ngoài. Vậy tiền nhà đầu tư đổ vào nền tảng "ngoại" như Binance để mua bán tiền ảo liệu có phải là lỗ hổng công nghệ để tiền Việt ra khỏi đất nước mình? Mồ hôi, nước mắt của những người dân Việt Nam có phải đang làm giàu cho những người như CZ?

Tìm hiểu về cách tiền dịch chuyển ra sao để từ những đồng VND thành ngoại tệ để nhà đầu tư giao dịch được tiền ảo thì chúng tôi được biết, việc đó tưởng khó mà rất dễ. Search sơ qua bằng các công cụ tìm kiếm cũng rất dễ dàng thấy được cách thức nạp, chuyển tiền thật để mua...tiền ảo. Hướng dẫn dẫn về website của Binance được viết cẩn thận bằng tiếng Việt. Tức, cũng chẳng cần phải giỏi ngoại ngữ, chẳng cần am hiểu công nghệ sâu xa, nhà đầu tư gà mờ được chủ sới dắt tay chỉ việc một cách rành rọt. Điều duy nhất nhà đầu tư cần chỉ là tiền.

Nếu như, cơ quan quản lý cứ để mặc những "kẻ ngốc hơn" thì điều gì sẽ xảy ra? Tiền Việt liệu có bị chảy ra ngoài biên giới quốc gia thông qua những app ngoại không nằm trong phạm vi kiểm soát? Liệu hoạt động rửa tiền hay hàng loạt hoạt động phi pháp khác có thể từ đây mà gây ra nhiều hệ luỵ cao hơn nữa không? Nhiều quốc gia đã nhìn thấy hệ luỵ từ tiền ảo mà cấm cửa Binance, vì sao mãi mà cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa vào cuộc?

Changpeng Zhao vẫn ‘giầu sụ’ dù đi tù

Lĩnh án 4 tháng tù, ông trùm 'CZ' của đế chế Binance trở thành người giàu nhất từng bị Mỹ giam giữ

Nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao bị kết án 4 tháng tù

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-nguoi-viet-pha-san-vi-tien-so-vi-sao-chua-cam-cua-song-binance-138172.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhiều người Việt phá sản vì tiền số: Vì sao chưa cấm cửa "sòng" Binance?
POWERED BY ONECMS & INTECH