Nhiều ông chủ ngân hàng vượt tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ phải làm gì khi Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ 01/7/2024?

04-04-2024 08:45|Khởi Phong

Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 Ngân hàng TMCP, 1 Công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Nhiều ông chủ Ngân hàng đang sở hữu vượt tỷ lệ sở hữu theo Luật mới

Một trong những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Luật TCTD 2024) là quy định hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. So với quy định hiện hành, Điều 63 Luật TCTD 2024 (hiệu lực thi hành từ 01/7/2024) đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan trong TCTD.

Cụ thể, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (không đổi); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%) vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một TCTD.

Hiện nay, trường hợp các ông chủ ngân hàng và nhóm liên quan đang sở hữu vượt tỷ lệ 15% hoặc một cổ đông tổ chức sở hữu cổ phần vượt quá 10% không hiếm gặp.

VnExpress đưa tin, theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 Ngân hàng TMCP, 1 Công ty Tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cùng nhóm có liên quan là một ví dụ. Theo Báo cáo quản trị gần nhất của nhà băng này, bầu Hiển và các cá nhân, tổ chức có liên quan đang nắm giữ hơn 723 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng gần 20% vốn điều lệ ngân hàng.

Một vị Chủ tịch Ngân hàng khác là ông Trịnh Văn Tuấn của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng gặp tình trạng tương tự. Theo Báo cáo quản trị của OCB, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Tuấn cùng các cá nhân trong gia đình và công ty liên quan cũng lên tới gần 20%.

Điều khoản chuyển tiếp

Quy định mới về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông được cho là để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của TCTD, giúp tăng tính đại chúng của TCTD, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, chi phối thao túng ngân hàng. Từ đó giúp hệ thống các TCTD trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Trước đó, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật tổ chức tín dụng, nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, trong phiên thảo luận hồi tháng 11/2023, cho rằng tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi.

Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn. Xác định được ông chủ thực mới ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng.

Ở một góc độ khác, để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo giải trình, tiếp thu cho biết dự thảo Luật TCTD 2024 cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp.

Theo đó, Điều 210, Luật TCTD 2024 quy định các cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 01/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Bầu Hiển và nhiều ông chủ ngân hàng vượt tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ phải làm gì khi Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ 01/7/2024?
Ngân hàng OCB

Liên quan đến nội dung này, Luật sư Vũ Đức Diệm – Trưởng Bộ phận Tố Tụng tại Công ty Luật TNHH ATIM giải thích thêm như sau:

Theo quy định tại khoản 11, Điều 210, Luật TCTC 2024, trong trường hợp của SHB và một số ngân hàng khác, khi đã vượt tỷ lệ tối đa theo Điều 63, Luật TCTD 2024, cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước ngày 01/7/2024 sẽ được tiếp tục duy trì cổ phần của mình mà không cần phải thực hiện thủ tục giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan chỉ được tăng thêm cổ phần khi đã tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định tại Điều 63 của Luật TCTD 2024. Ví dụ trường hợp ngân hàng tăng vốn điều lệ khiến cho tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan giảm xuống dưới mức quy định thì cổ đông, cổ đông và người có liên quan sẽ được tăng thêm cổ phần.

Tuy nhiên, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vẫn được tăng thêm cổ phần trong trường hợp ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu theo quy định tại khoản 11, Điều 210, Luật các TCTD 2024.

>> https://nguoiquansat.vn/acb-thu-ve-gan-1-600-ty-dong-tu-bancassurance-trong-con-dia-chan-khung-hoang-niem-tin-chua-tung-co-cua-nganh-bao-hiem-124238.html

Tỷ giá tăng ‘nóng rẫy’, Vietnam Airlines và nhiều doanh nghiệp khác có ngồi trên ‘đống lửa’?

Khách VIP ngân hàng bị mất nửa tỷ, giao dịch bất thường đến khó tin

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bau-hien-va-nhieu-ong-chu-ngan-hang-vuot-ty-le-so-huu-toi-da-se-phai-lam-gi-khi-luat-cac-to-chuc-tin-dung-moi-co-hieu-luc-tu-0172024-229220.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều ông chủ ngân hàng vượt tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ phải làm gì khi Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ 01/7/2024?
    POWERED BY ONECMS & INTECH