Nhìn lại 8 tháng của thị trường tài chính Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới sắp có bước ngoặt lớn?
Phố Wall thường trở nên “nhộn nhịp” hơn sau Lễ Lao động. Kỳ nghỉ năm nay vào ngày 2/9 và thị trường có thể sẽ đặc biệt sôi động hơn khi mở cửa trở lại, theo Wall Street Journal (WSJ).
Kinh tế Mỹ nhiều khả năng đang đứng trước một bước ngoặt sau khi thị trường đi lên trong phần lớn thời gian của năm nay.
Sự phấn khích - từng đẩy giá cổ phiếu tăng lên mức kỷ lục - đã hạ nhiệt trong vài tuần gần đây khi có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy thị trường lao động có thể đang suy yếu.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ xem sau cuộc chiến lịch sử chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất ở mức độ nào tại cuộc họp tháng này.
Ngoài ra, dữ liệu việc làm tháng 8 - được công bố vào cuối tuần - có thể định hình xu hướng giao dịch trong phần còn lại của năm. Một báo cáo với kết quả tuyển dụng mạnh mẽ có thể thúc đẩy thị trường. Nhưng nếu là ngược lại, những cảnh báo suy thoái mới có thể bị kích hoạt và gây biến động kéo dài.
Dưới đây là tình hình cụ thể của thị trường tài chính Mỹ trước một tuần quan trọng sắp tới.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay. Tính từ đầu năm, S&P 500 tăng 18%, Dow Jones thêm 10% và Nasdaq Composite cộng 18%. Đáng chú ý, S&P 500 đã xác lập 38 lần đóng cửa kỷ lục trong năm nay sau đợt lao dốc hồi năm ngoái.
Mặc dù giảm mạnh vào đầu tháng 8, giá cổ phiếu đã quay trở lại gần mức đỉnh lịch sử. Điều này khiến một số nhà phân tích lo lắng rằng thị trường sắp có một đợt điều chỉnh.
Theo Bank of America, kể từ thập niên 1930 thì cứ mỗi năm một lần, chỉ số S&P 500 lại giảm trung bình 10% trở lên. Năm nay, đợt điều chỉnh đó vẫn chưa xảy ra. Từ mức cao nhất vào tháng 7 cho đến mức đáy vào tháng 8, S&P 500 mới chỉ giảm khoảng 8%.
Đà tăng trong năm nay chủ yếu được dẫn dắt bởi cổ phiếu của các Big Tech. Tuy nhiên, độ rộng của thị trường đã cải thiện trong những tháng gần đây.
Nhà đầu tư dần tìm đến những lĩnh vực khác, chẳng hạn như các công ty nhỏ hơn hoặc những ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh tế hơn. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã giao dịch vượt trội hơn S&P 500 kể từ cuối tháng 6.
Dẫu vậy, giá cổ phiếu có vẻ đang khá đắt đỏ. Theo FactSet, cổ phiếu của các công ty trong S&P 500 đang giao dịch gấp 21 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới, cao hơn mức trung bình 10 năm là khoảng 18 lần.
Mức chênh lệch lợi suất mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thay vì trái phiếu Kho bạc cho thấy mức độ lo lắng của nhiều người về nền kinh tế Mỹ. Nỗi sợ càng lớn thì chênh lệch càng rộng, mục đích là để bù đắp cho rủi ro vỡ nợ lớn hơn của các doanh nghiệp.
Hiện tại, các nhà đầu tư có vẻ không lo lắng quá nhiều. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và lợi suất trái phiếu Kho bạc vẫn ở mức thấp so với trước kia.
Mức chênh lệch từng tăng cao vào năm 2022 và 2023, khi các nhà đầu tư lo lắng Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái để chiến thắng lạm phát.
Gần đây, mức chênh lệch từng tăng lên sau báo cáo việc làm đáng thất vọng của tháng 7 nhưng sau đó đã đảo chiều. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư có thể đang chờ thêm một tháng dữ liệu xấu nữa trước khi họ thực sự “bấm nút” bán.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu Kho bạc ngắn hạn là một hiện tượng bất thường có tên là đường cong lợi suất đảo ngược. Hiện tại, đường cong đã đảo ngược trong một khoảng thời gian kỷ lục.
Nhưng viễn cảnh này này có vẻ sắp đảo chiều sau khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm sâu hơn lợi suất trái phiếu dài hạn trong những tuần gần đây.
Điều đó thường xảy ra khi Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào suy thoái hoặc đang trên bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, không rõ mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao.
Các quan chức Fed cho biết họ dự định giảm dần lãi suất như một biện pháp phòng ngừa, dù thị trường lao động không có thêm dấu hiệu suy yếu. Kịch bản này có thể giúp đường cong lợi suất bình thường trở lại mà không có suy thoái.
Mặt khác, dữ liệu việc làm đáng thất vọng có thể buộc Fed phải cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn và khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc ngắn hạn tụt nhanh hơn - một dấu hiệu cho thấy lịch sử có thể lặp lại.
Trong bối cảnh chi phí đi vay sắp giảm, người Mỹ cũng đang được hưởng lợi từ một thị trường năng lượng tương đối ổn định.
Giá khí đốt tự nhiên giao dịch ở mức khá thấp trong năm nay. Điều đó đã giúp giảm hóa đơn điều hòa trong những đợt nắng nóng mùa hè cũng như hạ chi phí sản suất điện và phân bón, thép và các lĩnh vực khác tại Mỹ.
Đồng thời, nhu cầu dầu thô yếu hơn của Trung Quốc đã kéo giá xuống - từ đó, đẩy giá xăng tại Mỹ cũng giảm xuống mức thấp hơn trong mùa hè này.
Nhưng vẫn có nhiều bất ổn ở phía trước. Căng thẳng đang xảy ra ở châu Âu và Trung Đông. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể định hình lại triển vọng thương mại toàn cầu. Liên minh OPEC+ cũng đang cân nhắc tăng dần sản lượng từ tháng 10 tới.
Theo WSJ
>> 4 tín hiệu đã nhấp nháy, chứng khoán Mỹ sẽ bước vào kịch bản ‘trong mơ’?