Nhóm dầu khí lỗ ròng quý III: Nỗi lo giá dầu giảm sâu về 40 USD/thùng năm 2025
Lợi nhuận ngành dầu khí quý III/2024 phân hóa mạnh khi nhóm hạ nguồn chịu áp lực từ giá dầu giảm, trong khi thượng nguồn tăng trưởng nhờ các dự án lớn. Triển vọng 2025 đối mặt rủi ro dư cung và biến động kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo chiến lược tháng 11/2024 của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research), tính đến ngày 6/11, 1.133/1.662 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 123.400 tỷ đồng, tăng 1.800 tỷ đồng so với quý trước và 21.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhóm dầu khí gây thất vọng lớn nhất khi lỗ gần 700 tỷ đồng, trong khi quý II lãi hơn 2.500 tỷ đồng và cùng kỳ năm ngoái đạt 4.600 tỷ đồng.
Nguồn: ABS Research |
Ngành dầu khí Việt Nam trong quý III/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khi lợi nhuận các doanh nghiệp phân hóa rõ rệt giữa nhóm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Biến động giá dầu thế giới giảm mạnh, cung vượt cầu và nhu cầu năng lượng yếu là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của toàn ngành.
Nhóm hạ nguồn chịu áp lực lớn: Biến động giá dầu thô từ 84 USD/thùng (đầu tháng 7) xuống 65 USD/thùng (giữa tháng 9, giảm 19%) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp hạ nguồn. Tổng CTCP Dầu Việt Nam (PV OIL) ghi nhận doanh thu quý III đạt 31.077 tỷ đồng (+29,4%), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 37 tỷ đồng (-84,2%). Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận giảm 42,5% còn 382 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX) cũng ghi nhận doanh thu quý III giảm 11,17%, đạt 64.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 82,2% còn 130 tỷ. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chịu thiệt hại nặng nhất khi báo lỗ 1.209 tỷ đồng trong quý III, so với mức lãi 3.235 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu BSR giảm 17,47% còn 87.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 89,1% còn 675 tỷ.
Nguyên nhân chính là giá bán lẻ xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm 10/12 lần trong quý, nhu cầu tiêu thụ yếu và chi phí khai thác tăng cao. Thêm vào đó, sản lượng khai thác suy giảm tự nhiên, tỷ giá hối đoái bất lợi và giá các sản phẩm hóa dầu giảm sâu khiến biên lợi nhuận của nhóm này thu hẹp đáng kể.
Điểm sáng ở nhóm thượng nguồn: Các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn ghi nhận tăng trưởng tích cực nhờ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) lãi 193 tỷ trong quý III (+34,3%) và 707 tỷ đồng sau 9 tháng (+16,6%).
Hình minh họa |
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) cũng đạt kết quả tích cực với lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng (+35%), lũy kế 9 tháng tăng 34% lên mức 461 tỷ. Đây là kết quả của nhu cầu dịch vụ thăm dò và khai thác tăng cao, đặc biệt từ các dự án lớn như Lô B - Ô Môn.
Thị trường dầu mỏ và rủi ro dư cung năm 2025
Câu chuyện kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí được dự báo sẽ tiếp tục phân hóa trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đối mặt với nhiều rủi ro năm 2025. Các chuyên gia cảnh báo giá dầu Brent có thể giảm xuống 40 USD/thùng, tương ứng mức giảm 40% so với hiện tại, nếu OPEC+ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng.
Dư cung từ Mỹ, Brazil và Canada, cùng sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lớn lên giá dầu. Theo Citibank, ngay cả khi OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent năm 2025 chỉ đạt trung bình 60 USD/thùng. Nguy cơ chiến tranh thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, cũng là yếu tố tiềm ẩn rủi ro nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Triển vọng ngành dầu khí năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào diễn biến giá dầu và các chính sách điều hành của OPEC+, cũng như khả năng ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp trong ngành.
>> Kết quả kinh doanh quý III/2024: Lợi nhuận toàn thị trường vượt 123.000 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh quý III/2024: Lợi nhuận toàn thị trường vượt 123.000 tỷ đồng
Giá dầu và than giảm sâu: Ngành phân bón hưởng lợi từ chi phí đến biên lợi nhuận