Từ khi được công nhận làng du lịch tốt nhất, làng Tân Hóa (huyện Minh Hoá, Quảng Bình) vẫn giữ được nét bình yên có sẵn. Ở đây không có cảnh chộn rộn, ồn ã, không có cảnh tranh giành, giá cả “chặt chém”.
Những con số ấn tượng
Tháng 10/ 2023, Tân Hoá được thế giới biết đến khi được trao giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages- BTV). Giải thưởng này là một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhằm vinh danh những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững.
Sau khi được công nhận, chỉ trong tháng 12/2023, Tân Hóa đã đón 782 khách du lịch, bảo đảm nguồn thu nhập cho 82 porter, 10 hộ dân homestay (mức thu trung bình gần 7,2 triệu đồng/tháng) và 10 hộ cung cấp trải nghiệm ăn tối tại nhà dân (thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/tháng) cùng một số hộ cung ứng thực phẩm.
Dự kiến trong những tháng du lịch cao điểm, lượng khách có thể tăng lên từ 1.000- 1.500 khách/tháng. Với con số này, tổng doanh thu dự kiến của Làng du lịch Tân Hóa trong năm 2024 là khoảng 10-12 tỷ đồng.
“Chúng tôi không rõ các mô hình du lịch cộng đồng khác ở Việt Nam hoạt động hiệu quả như thế nào nhưng nếu nguồn thu trong năm 2024 của Làng du lịch Tân Hóa bao gồm lương porter, dịch vụ ăn uống, homestay, mua bán nông sản và thực phẩm địa phương phục vụ cho các tour của Oxalis đạt được như dự kiến là 10-12 tỷ đồng thì đó thực sự là con số khá ấn tượng”, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis nói.
Nhiều cơ hội cho địa phương phát triển du lịch
Rural homestay là mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết được triển khai thử nghiệm vào tháng 5 và khai thác chính thức vào tháng 11/2023. 10 căn nhà nổi của người dân được Oxalis đầu tư 150 triệu đồng theo thoả thuận không hoàn lại.
Trong tháng 12/2023, gần 120 lượt phòng đã được sử dụng, mang lại nguồn thu nhập trung bình cho mỗi hộ dân gần 7,2 triệu đồng.
Ông Trương Xuân Thơm, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa cho biết, ông không nghĩ rằng sẽ có ngày, căn nhà nổi nằm ở góc vườn của mình sẽ là điểm lui tới thường xuyên của du khách. Từ một hộ gia đình quanh năm chỉ biết làm nông, nay vợ chồng ông có thêm một nghề mới và tăng thêm nguồn thu từ chính căn nhà nổi này.
Các hoạt động du lịch không chỉ làm thay đổi bộ mặt của kinh tế- xã hội mà còn thay đổi cả nhận thức của người dân. Từ việc khai thác rừng, sống dựa vào rừng nay người dân đã có ý thức bảo vệ rừng, coi phát triển rừng chính là sinh kế bền vững nhất.
Những người nông dân cũng đã được tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, porter phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng mở các lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch cơ bản cho nhân viên các cơ sở kinh doanh du lịch và người dân trên địa bàn, tập trung vào các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản và xây dựng sản phẩm, marketing, vận hành
điểm đến du lịch.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa khẳng định: “Làng du lịch tốt nhất của UNWTO không dừng lại ở danh hiệu mà đã thực sự mang đến nhiều cơ hội cho địa phương trong phát triển du lịch. Khi tên tuổi của Tân Hóa được biết đến nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc lượng khách du lịch từ khắp nơi tìm đến đây để trải nghiệm đông và đều hơn. Người dân có thêm nhiều việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.
Từ khi được công nhận Làng du lịch tốt nhất, Tân Hoá vẫn giữ được nét bình yên có sẵn. Ở đây không có cảnh chộn rộn, ồn ã, không có cảnh tranh giành, giá cả “chặt chém”, đó chính là phát triển bền vững. Trong tương lai, số lượng khách đến Tú Làn, đến Tân Hóa sẽ tăng nhưng mức độ chậm và vừa phải để bảo đảm tính bền vững ấy.
Làm du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm biến dạng hay quá tải cho ngôi làng, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đó chính là chỉ dấu du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của UNWTO.