Trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ của một số dự án như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các khu công nghiệp…
Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 vừa tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, các dự án trọng điểm của tỉnh, bao gồm các dự án: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Tân Phúc - Võng Phan; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 3; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Mỹ; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Kim Động, Chính Nghĩa, Đặng Lễ, Phùng Chí Kiên, Lạc Đạo, Yên Mỹ, Đồng Than.
Ngay sau khi báo cáo về từng dự án, đại diện tỉnh Hưng Yên đã ra chỉ đạo đối với từng dự án, cụ thể:
Đối với dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên giao các ngành, địa phương cần nỗ lực, khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Trong đó cần chú trọng ưu tiên giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp, đất công ích, bảo đảm mặt bằng cho việc khởi công dự án. Trong thời gian sớm nhất, các huyện cần thực hiện các bước kiểm đếm, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng phần diện tích đất nông nghiệp; thực hiện đồng thời việc bố trí di dời mồ mả, tái định cư cho người dân, doanh nghiệp trong vùng dự án.
Đối với phần diện tích đất giao trái thẩm quyền, cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách xử lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án, tiến độ thực hiện thường xuyên; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện.
Đối với dự án đường Tân Phúc – Võng Phan, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các bước thực hiện dự án theo quy định, trong đó, chú trọng việc bố trí tái định cư cho người dân trong khu vực dự án, phấn đấu đến tháng 10/2023 có thể khởi công xây dựng dự án.
Đối với các dự án Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng ý, chấp thuận với phương án bồi thường; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đồng thời khẩn trương chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất người dân đã chấp thuận phương án đền bù. Tập trung giải quyết các vướng mắc do sai lệch trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác minh nguồn gốc đất; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp chuyển tiền chi trả đền bù giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khi đã có mặt bằng.
Siêu dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) đón loạt tin vui
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp trong nước