Những lớp học trên "mây"

25-05-2023 14:01|Bắc Hiệp

Các nhà làm giáo dục đang từng bước tiến vào thế giới thực tế ảo metaverse, nơi con người có thể tương tác xã hội trong không gian mạng, khiến thị trường Edtech (công nghệ - giáo dục) nở rộ.

Từng bước tiến vào vũ trụ ảo

Từ một bục giảng bên dưới ba màn hình khổng lồ, giáo sư Alain Goudey đưa ra các bài học về chuyển đổi kỹ thuật số cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới trong một giảng đường hàng trăm chỗ ngồi. Tuy nhiên, lớp học này diễn ra trong không gian “đám mây ảo”.

Trường Kinh doanh Neoma ở Pháp, nơi giáo sư Goudey làm việc, là một trong nhiều tổ chức giáo dục tiên phong tại châu Âu tiến từng bước vào vũ trụ kỹ thuật số nơi người dạy và người học hiện diện bằng các hình ảnh 3D. Công ty tư vấn quản lý McKinsey ước tính metaverse sẽ tạo ra giá trị lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Trả lời tờ Financial Times, Giáo sư Goudey, phó trưởng khoa kỹ thuật số tại Neoma, cho biết: “Điều rất quan trọng đối với các trường kinh doanh là phải đi đầu trong việc giáo dục cho các nhà quản lý tương lai về metaverse. Nó sẽ định hình thế giới của ngày mai”.

Tại Neoma, sinh viên trải nghiệm metaverse dưới dạng các avatar (hình đại diện) trong không gian ảo. Đội ngũ giảng viên cũng đã phát triển một số nghiên cứu tình huống thực tế ảo để đưa sinh viên vào những tình huống khó xử thực tế của công ty, cho phép họ áp dụng lý thuyết vào thực tế. “Việc nhập vai nâng cao sức mạnh của trò chơi mô phỏng. Thật ngạc nhiên khi thấy metaverse ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục như thế nào”.

Không chịu đi sau các nước phương Tây, nhiều trường học tại các nước và vùng lãnh thổ tại châu Á đang nỗ lực kết hợp công nghệ và giáo dục, đặc biệt là ứng dụng nền tảng metaverse. Từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, các trường học và các tổ chức giáo dục đang khai thác metaverse như một công cụ hướng dẫn, thử nghiệm các ứng dụng từ công nghệ thực tế ảo (VR) để đưa việc giảng dạy vượt ra khỏi phạm vi lớp học và sáng tạo những phương pháp mới để truyền đạt kiến thức và kỹ năng.

Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) ở Hàn Quốc đang nỗ lực để trở thành một “siêu trường đại học”, nơi các lớp học được số hóa thành siêu vũ trụ, cung cấp các khóa đào tạo trong không gian ảo. “Công nghệ thực tế ảo có thể được áp dụng trong những lĩnh vực khó tiếp cận thực tế, chẳng hạn như vũ trụ và thế giới nano”, Moo Hwan Kim, hiệu trưởng POSTECH trả lời tờ Nikkei Asia của Nhật Bản. “Về lâu dài, nó sẽ có thể thay thế các lớp học đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực hành hơn hoặc đào tạo trong môi trường nguy hiểm”.

Trường đại học của Hàn Quốc cho biết họ đầu tư 300.000 USD mỗi năm để mua sắm thiết bị và phát triển các chương trình giáo dục cho sinh viên và đã góp 500.000 USD để xây dựng các lớp học khai thác metaverse. Việc áp dụng metaverse trong trường học diễn ra khi một số quốc gia châu Á nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn về chuyên môn kỹ thuật số. Bộ Khoa học Hàn Quốc năm ngoái cho biết họ có kế hoạch đầu tư 223,7 tỷ won (166 triệu USD) để thúc đẩy hệ sinh thái metaverse, bao gồm phát triển “Học viện metaverse” để đào tạo các chuyên gia trẻ trong lĩnh vực này.

Tương tự như vậy, Thủ tướng Kishida Fumio năm ngoái cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy nỗ lực mở rộng việc sử dụng các công nghệ khác nhau, bao gồm cả metaverse, để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực công và tư nhân.

Hiện thực hóa khát vọng

Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng vệc áp dụng hàng loạt công nghệ VR trong môi trường học đường vẫn còn là một cuộc phiêu lưu của các nhà giáo dục. Còn nhớ vào năm 2021, “gã khổng lồ” công nghệ Facebook đã đổi tên thành Meta theo lời hứa của CEO Mark Zuckerberg về một vũ trụ metaverse, thế nhưng đến giờ công ty này vẫn chưa thể chứng minh cho thế giới thấy về sự thành công của dự án đầy tham vọng này.

Một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 đối với các giám đốc điều hành trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông của KPMG International cho thấy chỉ 1/3 số người được hỏi cho biết công ty của họ cảm thấy đã sẵn sàng với các nền tảng để tạo ứng dụng cho metaverse.

Ông David Lefevre, giáo sư thực hành về đổi mới kỹ thuật số tại Trường Kinh doanh Đại học Hoàng gia London (Vương quốc Anh), cho biết bất chấp những khả năng thú vị của metaverse, các trường đào tạo kinh doanh vẫn chưa khám phá hết tiềm năng của nền tảng mới này. “Đó là một ý tưởng vô cùng hấp dẫn về một vũ trụ thay thế mà chúng ta đang sinh sống, nhưng siêu vũ trụ ảo tại thời điểm này giống như một khát vọng hơn”, giáo sư Lefevre nhận định.

Những thách thức chính trong việc phổ biến metaverse trong giáo dục bao gồm đảm bảo khả năng tương tác, cho phép người học di chuyển tự do giữa các thế giới ảo khác nhau. Nhiều tổ chức giáo dục khác cho rằng những lo ngại về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu là rào cản đối với việc đưa metaverse vào các hệ thống giáo dục.

Roselva Tunstall, giám đốc phòng thí nghiệm công nghệ giáo dục tại Trường Quản lý và Công nghệ châu Âu (Đức), đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ phổ biến của metaverse. “Khả năng tiếp cận kỹ thuật số là một thách thức, chưa tính đến chi phí vận hành và tác động đến sức khỏe con người. Các giảng viên cũng sẽ cần được đào tạo để có thể tổ chức các lớp học đặc biệt này”, bà Tunstall nói. “Trong mọi trường hợp, metaverse không có khả năng thay thế các phương pháp giảng dạy truyền thống. Nó nhằm mục đích nâng cao”.

Cơ hội rộng mở tại Việt Nam

Tại Việt Nam, giới chuyên gia đều bày tỏ suy nghĩ tích cực về sự phát triển của thị trường Edtech (công nghệ - giáo dục) trong năm nay nếu các công ty có thể vượt qua những thách thức sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Phạm Giang Linh, Giám đốc điều hành Galaxy Education, thị trường Edtech của Việt Nam được hình thành vào năm 2006 và 2007 – giai đoạn phát triển đầu tiên của nền kinh tế kỹ thuật số trong nước, nhưng lĩnh vực này chỉ thu hút sự chú ý rộng rãi của các bậc phụ huynh và người trẻ trong khoảng thời gian từ 2020-2021, khi nhu cầu học trực tuyến tăng mạnh do quy định giãn cách xã hội.

Ông Linh cho biết, đến năm 2022 Việt Nam chứng kiến hơn 100 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech ra đời, thu hút mạnh vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp như Topica, ELSA, ColderSchool, Edmicro, Vuihoc, Educa đều thu hút từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD.

Trong khi đó, những “ông lớn” công nghệ trong nước bao gồm Viettel, FPT và VNPT cũng không tỏ ra chậm chân khi liên tục đầu tư và mở rộng các dịch vụ edtech của mình.

Đáng kể nhất có thể là chương trình Meduverse của Tập đoàn FPT Meduverse, ứng dụng phương pháp học tập kiến tạo xã hội, sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối), trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo… đưa ra các bài giảng, câu hỏi giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức. Meduverse áp dụng phương pháp kiến tạo xã hội giúp trẻ từ 6-12 tuổi học tập chủ động, hiểu sâu, nhớ lâu, rèn luyện tư duy phản biện, với nội dung kiến thức phong phú, đa dạng và mô hình giảng dạy đã được áp dụng thành công ở Anh, Mỹ… Tại Việt Nam, Meduverse đã được đưa vào sử dụng tại 8 trường học với khoảng 1.000 người học.

Cô giáo Đào – giáo viên tại trường Tiểu học và THCS Cầu Giấy FPT nhận định rằng việc kết hợp giữa công nghệ metaverse vào chương trình học truyền thống tạo ra sự thay đổi tích cực đối với học sinh về mặt dung nạp kiến thức.

“Trong các tiết học kể chuyện, thay vì đơn thuần được phân vai và đọc lại lời thoại thì các bạn có thể chọn và hóa thân vào các nhân vật, được tự mình sáng tạo nên các câu chuyện và giao lưu với các bạn học sinh lớp khác”, cô Đào chia sẻ.

Trước đó, tại sự kiện Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho biết metaverse nên là một mô hình “thực-ảo là một”. Chủ tịch FPT cho rằng chương trình Meduverse sẽ giúp trẻ nhỏ thích học, “học rất sâu, rất hay, rất sáng tạo”, đặc biệt là học sinh phải có vai trò trong thế giới metaverse.

Tại Hội thảo & Triển lãm giáo dục EDUtech Asia 2022 diễn ra tại Singapore vào tháng 11 năm 2022, nhiều chuyên gia quốc tế cho biết các công ty Edtech lớn trên thế giới đang tìm kiếm thị trường mới, trọng tâm sẽ là khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam.

Trong khi đó, bà Trương Lê Quỳnh Tường, Giám đốc ClassIn khu vực Đông Nam Á, nhận định rằng một yếu tố khiến thị trường Edtech tại TP HCM trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư là các phụ huynh sẵn sàng “móc hầu bao” đầu tư cho giáo dục.

Bà Tường cho biết thị trường Edtech tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi các công ty quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đang có kế hoạch nhảy vào tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Sau đại dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ là một phần không thể thiếu trong hoạt động dạy và học. Theo Giám đốc ClassIn, ngành giáo dục TP HCM đặt mục tiêu số hóa 35% hoạt động học tập tại các trường học, qua đó kỳ vọng duy trì việc sử dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Theo ông Cao Văn Việt, Giám đốc mảng Education Technology của FPT, xu hướng ứng dụng metaverse vào giáo dục rất tiềm năng khi Việt Nam đang là điểm sáng trong bức tranh ứng dụng công nghệ toàn cầu. Mặc dù vậy, để sản phẩm thực sự có ích và đem lại giá trị lâu dài, thì việc ứng dụng công nghệ này phải phục vụ, đáp ứng được những giá trị cốt lõi cho người sử dụng, ông Việt chỉ ra.

Startup giáo dục của vợ Shark Bình gọi vốn thành công 5 triệu USD

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/nhung-lop-hoc-tren-may-post134435.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Những lớp học trên "mây"
POWERED BY ONECMS & INTECH