Nhịp sống

Những tuyến đường phố mang tên cha - con, ông - cháu giữa lòng Thủ đô, người Hà Nội chưa chắc đã biết

Thùy Dung 18/08/2024 09:09

Đây đều là những vị vua, anh hùng và nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông: Những vị vua anh hùng cứu nước

Trần Thái Tông (1218 - 1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần, sinh tại hương Tức Mặc, Nam Định. Ông lên ngôi năm 8 tuổi dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, trị vì 33 năm và làm Thái Thượng hoàng 19 năm. Ông mất năm 1277, thọ 60 tuổi. Phố Trần Thái Tông dài 500m, từ giao lộ Cầu Giấy - Xuân Thủy đến ngã ba Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch.

Trần Thánh Tông (1240 - 1290), tên thật là Trần Hoảng, con của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), là vua thứ hai của nhà Trần, trị vì 21 năm (1258 - 1278) rồi nhường ngôi, làm Thái Thượng hoàng 13 năm. Ông là vị vua nhân từ, hai lần chỉ đạo chống quân Nguyên, giành thắng lợi. Phố Trần Thánh Tông dài 390m, nối phố Lê Thánh Tông với phố Yéc-xanh, cạnh vườn Pa-xtơ.

Phố Trần Thái Tông dài 500m, từ giao lộ Cầu Giấy - Xuân Thủy đến ngã ba Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch. Ảnh: Internet

Phố Trần Thái Tông dài 500m, từ giao lộ Cầu Giấy - Xuân Thủy đến ngã ba Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch. Ảnh: Internet

Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vua thứ ba nhà Trần, con đầu của vua Trần Thánh Tông, tên thật là Trần Khâm, nổi tiếng anh minh và quyết đoán. Ông tổ chức các Hội nghị Bình Than, Diên Hồng, lãnh đạo quân dân chống quân Nguyên - Mông. Sau 14 năm làm vua, ông nhường ngôi và trở thành tổ sư Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phố Trần Nhân Tông dài 1,040km, từ phố Huế đến Lê Duẩn, cắt ngang qua các phố Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Bà Triệu.

Đặng Tất và Đặng Dung: “Hổ phụ sinh hổ tử”

Đặng Tất (? - 1409) và Đặng Dung (? - 1414) là hai cha con, quê gốc ở Hóa Châu (Quảng Trị), sau chuyển ra Phù Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh. Đặng Tất từng làm quan Đại tri châu ở Hóa Châu. Khi Trần Ngỗi lên ngôi, hiệu Giản Định Đế, năm 1407, ông đã giết quan lại nhà Minh và đem quân ủng hộ. Đặng Tất dẫn quân đánh thắng quân Minh tại Bô Cô, nhưng sau đó bị Giản Định Đế nghi ngờ và bị giết vào năm 1409.

Phố Đặng Tất. Ảnh: Intenet

Phố Đặng Tất. Ảnh: Intenet

Đặng Dung, tức giận vì cha bị giết, đã tôn Trần Quý Khoáng làm vua, hiệu Trùng Quang, năm 1409. Ông chỉ huy nhiều trận đánh chống quân Minh nhưng cuối cùng thất bại. Bị bắt và giải về Yên Kinh, Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng đã nhảy xuống sông tự vẫn.

Phố Đặng Tất và phố Đặng Dung ở Hà Nội được đặt tên để vinh danh hai cha con. Phố Đặng Tất dài 290m, từ phố Trấn Vũ chạy qua phố Quán Thánh đến phố Phan Đình Phùng. Phố Đặng Dung dài 300m, từ phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Phan Đình Phùng.

Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông: Vị vua sáng lập và vị vua của vương triều Mạc

Mạc Thái Tổ (1483 - 1541), tên thật Mạc Đăng Dung, quê ở Cổ Trai, Kiến Thụy, Hải Phòng. Năm 1511, ông được phong Vũ Xuyên bá khi mới 29 tuổi. Trải qua ba đời vua Lê, ông được phong Thái sư Nhân Quốc công rồi An Hưng Vương. Tháng 6/1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, tự xưng Hoàng đế và lập nên triều đại nhà Mạc. Đến tháng 12/1529, ông nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, trở thành Thái Thượng hoàng. Dưới triều đại của ông, kinh tế và văn hóa phát triển. Mạc Đăng Dung qua đời năm 1541, thọ 58 tuổi, được truy tôn là Thái Tổ nhà Mạc.

Phố Mạc Thái Tông đoạn giao với đường Phạm Hùng. Ảnh: Internet

Phố Mạc Thái Tông đoạn giao với đường Phạm Hùng. Ảnh: Internet

Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) lên ngôi năm 1530, đặt niên hiệu Đại Chính. Trong 10 năm trị vì, ông tổ chức thi tuyển nhân tài, đất nước khá bình yên. Ông mất năm 1540, con trai là Mạc Phúc Hải nối ngôi và đặt thụy hiệu cho cha là Thái Tông khâm triết Hoàng đế.

Phố Mạc Thái Tổ là đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính. Phố Mạc Thái Tông là đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, tiếp nối phố Vũ Phạm Hàm.

Phan Huy Ích - Phan Huy Chú: Học giả uyên bác và sứ thần tài năng

Phan Huy Ích (1751 - 1822), danh sĩ cuối đời Hậu Lê, quê ở làng Thu Hoạch (Hà Tĩnh), làm việc dưới trướng chúa Trịnh và sau này là công thần nhà Tây Sơn. Ông thi đỗ Hội nguyên và được bổ chức Hàn lâm thừa chỉ, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tham chính xứ Sơn Nam, Đốc đồng Thanh Hóa, và Thiêm sai tri hình ở phủ chúa Trịnh. Từ năm 1780, ông chán ghét chúa Trịnh và vua Lê, nhiều lần xin từ chức nhưng không được chấp nhận.

Năm 1788, khi vua Quang Trung ra Bắc cầu hiền, Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm hợp tác với nhà Tây Sơn, được phong Tả thị lang bộ Hình, tước Thụy Nham hầu. Ông tham gia xây dựng chính quyền Tây Sơn ở Bắc Hà và phụ trách ngoại giao sau đại thắng quân Thanh. Năm 1790, ông làm Chánh sứ đưa giả vương sang nhà Thanh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao.

Sau khi về nước, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ, nhưng không ngăn nổi sự suy vi của nhà Tây Sơn sau khi vua Quang Trung qua đời. Ông để lại nhiều tác phẩm văn chương giá trị như “Nam trình tạp vịnh” và “Vân du tùy bút”.

Phan Huy Chú (1782-1840), con trai thứ ba của Phan Huy Ích, là danh sĩ triều Nguyễn và tác giả của “Lịch triều hiến chương loại chí” – bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Ông từng đi sứ nhà Thanh hai lần và giữ nhiều chức vụ quan trọng trước khi về dạy học và viết sách. Các tác phẩm khác của ông bao gồm “Hoàng Việt dư địa chí” và “Hải trình chí lược”.

Phố Phan Huy Ích dài 176m, từ phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quán Thánh. Phố Phan Huy Chú dài 365m, từ phố Lê Thánh Tông đến phố Hàn Thuyên.

Lương Văn Can - Lương Ngọc Quyến: Cha là vị đại nho yêu nước, con là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp

Lương Văn Can (1854-1927), hiệu Ôn Như, là nhà nho yêu nước, sinh tại làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Đỗ cử nhân năm 1879, ông không làm quan mà cùng các đồng chí sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm phát triển văn hóa, giáo dục để cứu nước. Cuối năm 1907, trường bị thực dân Pháp đóng cửa, và năm 1913, ông bị kết án 10 năm biệt xứ sang Nam Vang. Năm 1921, ông được tha về và mất ở Hà Nội. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm “Hán học tiệp kính” và các bản dịch “Luận ngữ” và “Mạnh Tử”.

Phố Lương Văn Can. Ảnh: TTXVN

Phố Lương Văn Can. Ảnh: TTXVN

Lương Ngọc Quyến (1885-1917), hiệu Lập Nham, là con trai của Lương Văn Can. Ông tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, du học Nhật Bản và Trung Quốc. Khi Việt Nam Quang phục hội thành lập, ông được cử làm ủy viên quân sự, nhưng bị Pháp bắt và kết án khổ sai chung thân. Tại nhà lao Thái Nguyên, ông cùng Đội Cấn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917) và hy sinh ngày 5/9/1917.

Phố Lương Văn Can dài 300m, từ phố Hàng Bồ đến phố Lê Thái Tổ. Phố Lương Ngọc Quyến dài 320m, từ phố Nguyễn Hữu Huân đến phố Hàng Giày.

Hoàng Đạo Thành - Hoàng Đạo Thúy: Cha con đều là nhà giáo, nhà văn hóa

Hoàng Đạo Thành (? - 1908), người làng Kim Lũ, Hà Nội, đỗ tú tài năm 1870 và cử nhân năm 1884. Ông làm quan Giáo thụ ở nhiều huyện như Quốc Oai, Hoài Đức, Đa Phúc, và Từ Sơn. Là một nhà Nho yêu nước, ông tham gia phong trào Duy Tân và viết nhiều sách sử, trong đó có "Đại Nam hành nghĩa" và "Việt sử tân ước" - các tác phẩm thể hiện quan điểm tiến bộ.

Con trai ông, Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994), trước năm 1945 là giáo viên, nhà báo và nhà hoạt động xã hội, tham gia ban chỉ đạo Liên đoàn Hướng đạo Bắc Kỳ và viết nhiều sách như "Anh Tư Bền". Ông là đại biểu Quốc dân đại hội Tân Trào và sau Cách mạng tháng Tám, gia nhập quân đội, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục Thông tin Liên lạc và Giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Sau hòa bình, ông làm việc tại Ủy ban Dân tộc Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa I và II. Tác phẩm về Hà Nội của ông như "Người và cảnh Hà Nội" được tặng giải thưởng Thăng Long năm 1994.

Phố Hoàng Đạo Thành dài 479m, từ đường (chợ) Kim Giang đi vào đến nhà D7 của khu tập thể Kim Giang. Phố Hoàng Đạo Thúy dài 1.100m, từ phố Lê Văn Lương đến đường Trần Duy Hưng.

>> Gia tộc nức tiếng Việt Nam có 3 cha con cùng đỗ Tiến sĩ, 2 người được lấy tên để đặt tên đường ở Hà Nội

Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam 'rót' hơn 200 tỷ xén dải phân cách, vỉa hè tại 7 tuyến đường trọng điểm

Tỉnh giàu có nhất Việt Nam muốn chi gần 60.000 tỷ xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa nội tỉnh đầu tiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhung-tuyen-duong-pho-mang-ten-cha--con-ong--chau-giua-long-thu-do-nguoi-ha-noi-chua-chac-da-biet-d130354.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Những tuyến đường phố mang tên cha - con, ông - cháu giữa lòng Thủ đô, người Hà Nội chưa chắc đã biết
POWERED BY ONECMS & INTECH