Theo số liệu của Bộ Tài chính công bố ngày 3/1: Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021 (ngân sách Trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán).
Trong đó, Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu NSNN năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Phân tích về nguyên nhân khiến số thu đạt khá, Bộ Tài chính cho biết một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán,... được nộp trong quý I năm 2022; các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Cùng với đó, cơ quan thuế, hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng; ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm.
Nhờ đó, có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu từ nhà, đất đạt 154,5%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 118,2% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 114,3% dự toán, tăng 7,4% so với năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,6% dự toán, tăng 11,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 121,5% dự toán, tăng 5,9%).
Còn 2 khoản thu không đạt dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 72% dự toán, bằng 73,3% so cùng kỳ) do thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và số 20/2022/UBTVQH15) tác động làm giảm thu NSNN và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đạt 12,1% dự toán) do tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cho biết: Tổng chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán. Bộ Tài chính cho biết thêm: Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Năm 2022, đã thực hiện phát hành 214,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,48%/năm.
Đến cuối năm 2022, dư nợ công ước đạt 38% GDP, dư nợ Chính phủ ước đạt 34,7% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia ước đạt 36,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước đạt 16,3% tổng thu NSNN, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Xử lý nghiêm vi phạm thuế, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước