Nở rộ chiêu giả mạo shipper để lừa đảo, cảnh sát hình sự chỉ cách 'phá bẫy’
Cảnh sát hình sự cảnh báo về chiêu trò giả mạo shipper gọi điện giao hàng, sau đó dùng thủ đoạn tinh vi khiến người dân sập bẫy.
Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh nhận được điện thoại từ shipper (nhân viên giao hàng) thông báo nhận đơn hàng. Nếu khách hàng không có mặt ở nơi nhận hàng, shipper nói sẽ gửi lại món hàng và yêu cầu chuyển khoản thanh toán.
Tuy nhiên, đây là những đơn hàng không có thật, người nhẹ dạ chuyển tiền sẽ bị kẻ giả danh shipper chiếm đoạt, thậm chí nếu nạn nhân bấm vào đường link do đối tượng gửi có có thể bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, mất tiền trong tài khoản ngân hàng…
Bị lừa vì sợ mất tiền oan
Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm xâm phạm sở hữu (PC02, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội) cho biết, giả mạo shipper gọi điện giao hàng là thủ đoạn lừa đảo mới.
“Các đối tượng lợi dụng các phiên livestream bán hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội (TikTok, Shopee, Facebook...) nhằm thu thập thông tin đơn hàng được đặt, gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, loại hàng hoá, số tiền phải thanh toán... Sau khoảng 1-2 ngày, các đối tượng sẽ liên lạc với người mua theo số điện thoại đã đặt hàng”, đại diện Phòng PC02 cho biết.
Thủ đoạn của các đối tượng là liên lạc vào giờ hành chính, không có người ở nhà đối với các địa chỉ giao hàng là nhà riêng; ngoài giờ hành chính đối với các địa chỉ giao hàng là văn phòng, cơ quan, công sở.
Do việc mua hàng online phổ biến, diễn ra thường xuyên và đúng các thông tin đã đặt hàng, người dân có tâm lý chủ quan, tin tưởng và đề nghị để lại hàng rồi chuyển khoản thanh toán.
“Lúc này, các đối tượng gửi thông tin tài khoản ngân hàng để người dân chuyển khoản thanh toán. Sau khoảng 1-3 giờ, các đối tượng liên hệ lại và thông báo đã gửi nhầm số tài khoản đăng ký nhân viên vận chuyển hàng. Sau khi chuyển khoản sẽ tự động đăng ký nhân viên, hàng tháng sẽ bị trừ tiền, rồi đề nghị hướng dẫn thực hiện hủy đăng ký”, Trung tá Phan Quang Vinh chỉ ra thủ đoạn của những kẻ lừa đảo.
Do tâm lý sợ mất tiền oan, người dân sẽ thực hiện theo các yêu cầu, hướng dẫn của các đối tượng.
Lúc này, kẻ xấu sẽ dùng những tài khoản khác để liên lạc với người dân qua các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Telegram, Viber...) và hướng dẫn hủy đăng ký bằng cách yêu cầu chuyển tiền đến các số tài khoản được chỉ định. Sau đó, các đối tượng sẽ lấy nhiều lý do thông báo bị hại chuyển tiền lỗi, sai số tài khoản, không đúng cú pháp... và yêu cầu thực hiện lại hoặc chuyển thêm tiền.
Bên cạnh đó, chúng cũng gửi đường link website, ứng dụng giả mạo yêu cầu bị hại truy cập, cài đặt ứng dụng rồi chiếm quyền sử dụng thiết bị di động, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản bị hại đến tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.
Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng phương thức liên lạc với bị hại thông qua các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội "rác" nhưng có hình ảnh đại diện giống với hình ảnh của các công ty vận chuyển (Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Viettel Post, EMS) để lợi dụng tâm lý chủ quan, tạo sự tin tưởng của “con mồi”.
Để tránh "sập bẫy" lừa đảo, người dân cần xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ giao hàng; tuyệt đối không để thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... công khai trên mạng xã hội; không chuyển tiền thanh toán khi chưa chắc chắn đã nhận được hàng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.
Người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, người dân phải lập tức dừng giao dịch và trình báo cơ quan chức năng.
Khó khăn truy vết
Theo Trung tá Phan Quang Vinh, tội phạm lừa đảo công nghệ cao có sự "thích nghi” rất nhanh. Các đối tượng này cập nhật, thay đổi thủ đoạn thường xuyên, theo tình hình chính trị trong nước, thế giới, thậm chí là các sự kiện ăn theo. Do đó, mấu chốt trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo công nghệ cao là tính cảnh giác của người dân.
Chia sẻ về vấn nạn bị hại bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại qua các đường link, ứng dụng giả mạo, vị Đội trưởng cho biết tình trạng này thường xảy ra trên các điện thoại chạy hệ điều hành Android, bởi, hệ điều hành này có tính “mở”.
Các đối tượng sau khi “viết” các phần mềm có gắn mã độc, sẽ lừa, dẫn dắt bị hại cài vào máy thông qua các đường link. Việc ngăn chặn thủ đoạn này cũng vô cùng khó khăn, do các đối tượng chỉ cần thay đổi một ký tự là đường link sẽ “sống lại”.
Sau khi bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, các đối tượng lừa đảo sẽ có những phần mềm có thể thực hiện nhiều lệnh chuyển tiền một lúc, từ tài khoản ngân hàng của bị hại vào nhiều tài khoản khác nhau.
Đáng nói, các tài khoản ngân hàng thụ hưởng lại là những tài khoản giả, không do chính chủ sở hữu, nên việc truy vết nguồn tiền rất khó khăn. Vài trường hợp, dù truy vết được nguồn tiền, xác định được đối tượng gây án nhưng lực lượng chức năng cũng gặp nhiều cản trở do thủ phạm không ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung tá Phan Quang Vinh cũng cảnh báo người dân cần thận trọng trong đầu tư chứng khoán, khi nhiều đối tượng cố tình tạo những đường link, trang web có giao diện gần giống hoặc mập mờ với các sàn giao dịch chính thống. Từ đó, người dân chuyển tiền với mục đích để giao dịch cổ phiếu nhưng thực tế lại đang nộp tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Theo vtcnews.vn
>>Bị nhân viên điện lực 'dỏm' lừa 650 triệu đồng và lời cảnh báo từ công an