Nước Mỹ ‘lao đao’ trước chiến dịch phi USD hóa, hàng loạt đồng nội tệ các quốc gia BRICS cùng vàng có thể ‘giáng đòn’ lên thế thống trị của đồng USD
Tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ đã giảm xuống 58,2%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý II/2024. Được biết, dữ liệu được tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên và phi thành viên IMF cùng những thực thể khác có nắm giữ ngoại hối quốc tế.
Theo đó, tính đến cuối quý II/2024, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt hơn 12.347 tỷ USD, giảm 36 tỷ USD so với cuối quý trước đó. Dự trữ đã phân bổ đạt gần 11.466 tỷ USD.
Tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ đã giảm xuống 58,2% dù tiếp tục nắm giữ vị trí top1 với giá trị hơn 6.675 tỷ USD. Đáng chú ý, đây là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1995.
Theo Watcher.guru, BRICS và các nước đang phát triển khác đang bổ sung các loại tiền tệ địa phương cũng như vàng vào dự trữ của Ngân hàng Trung ương.
Các NHTW đã có động thái cắt giảm dự trữ USD của họ và thay thế bằng vàng để đa dạng hóa dự trữ. IMF báo cáo rằng "các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống" là lựa chọn thay thế chính cho USD và euro.
Nếu vàng chiếm ưu thế trong kho dự trữ của các Ngân hàng Trung ương thuộc các quốc gia BRICS, sự thống trị của đồng USD có thể đối mặt với nguy cơ. Đặc biệt trong bối cảnh BRICS đang tiến hành đẩy mạnh kế hoạch phi USD hóa.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - 3 quốc gia chủ chốt trong BRICS nằm trong số những nước mua vàng nhiều nhất thời gian gần đây và đang thúc đẩy giá kim loại quý này. “Tính đến thời điểm hiện tại, các Ngân hàng Trung ương đã mua ròng 800 tấn, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái”, Hội đồng Vàng Thế giới báo cáo.