Ồ ạt làm siêu ‘thành phố nổi’ đưa ra biển: Cuộc đua khốc liệt của các ‘ông lớn’
Du thuyền khổng lồ thực chất là những 'thành phố nổi', sẽ thu hút khoảng 37 triệu người khám phá trong năm nay. Đây cũng là lý do các 'ông lớn' đang chạy đua đưa các du thuyền lớn ra đại dương.
Hàng loạt du thuyền 'ngoài sức tưởng tượng' ra đời
Tháng 1 năm ngoái, Royal Caribbean ra mắt du thuyền lớn nhất thế giới - Icon of the Seas, có chiều dài khoảng 364m, gây xôn xao toàn cầu. Nhiều người nghĩ đây có lẽ là lần cuối nghe nói về các du thuyền siêu khổng lồ.
Tuy nhiên, nguyên lý “càng to càng tốt” vẫn đang được các hãng du thuyền lớn nhất thế giới như Royal Caribbean, MSC Cruises, Carnival Cruise Line và Norwegian Cruise Line tích cực theo đuổi, khi hết con tàu cỡ đại này đến con tàu khổng lồ khác lần lượt rời xưởng tiến ra biển lớn.
Riêng năm nay, hàng loạt du thuyền “ngoài sức tưởng tượng” sẽ lướt qua các đại dương.
Cuối tháng 4, chiếc tàu mới nhất của Norwegian Cruise Line mang tên Norwegian Aqua bắt đầu hành trình từ cảng Canaveral, Florida (Mỹ), với sức chứa 3.600 hành khách. Hãng này cũng đặt hàng 4 tàu lớn hơn, mỗi chiếc có sức chứa 5.000 hành khách, dự kiến bàn giao từ năm 2030.

Cùng thời gian, MSC Cruises đã cho ra mắt chiếc du thuyền lớn thứ hai của mình mang tên MSC World America có sức chứa lên đến 6.762 hành khách và dài khoảng 333m. Tàu này có hành trình quanh vùng Caribe, xuất phát từ Cảng du thuyền MSC Miami - cảng du thuyền lớn nhất Bắc Mỹ, với khả năng phục vụ tối đa 36.000 hành khách mỗi ngày khi vận hành ba tàu cùng lúc.
Hai chiếc du thuyền khác thuộc dòng MSC World Class đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến được bàn giao vào năm 2026 và năm 2027.
Trong cuộc đua này, Carnival Cruise Line cũng dự kiến ra mắt dòng du thuyền lớn nhất từ trước đến nay của mình vào năm 2029. Họ sẽ tiếp nhận chiếc đầu tiên trong 3 con tàu có hơn 3.000 cabin và sức chứa tối đa gần 8.000 hành khách.
Tháng 8 năm nay, Star of the Seas - "chị em" của Icon of the Seas, với sức chứa 7.600 hành khách, khởi hành từ cảng Canaveral, thực hiện các chuyến đi quanh vùng Caribe kéo dài 7 đêm quanh năm.
Con tàu này có sức chứa tối đa tương đương tàu Icon of the Seas và sở hữu 20 boong tàu, gây choáng ngợp không kém, được trang bị các đường trượt nước, công viên nước, 7 hồ bơi và 40 nhà hàng, quán bar phục vụ ăn uống.
Chưa dừng lại ở đó, Royal Caribbean tiếp tục kế hoạch mở rộng với chiếc tàu Legend of the Seas (khác với tàu cùng tên trước đây của hãng) ra mắt năm 2026, dự kiến sẽ khởi hành từ Fort Lauderdale. Chiếc thứ tư chưa được đặt tên cũng được lên kế hoạch bàn giao năm 2027.
Theo Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA), hơn 37 triệu hành khách dự kiến sẽ tham gia các chuyến du thuyền trong năm 2025. Sổ đặt hàng đóng tàu du lịch toàn cầu kéo dài đến tận năm 2036, với 77 tàu du lịch mới.
Với các hãng du thuyền, càng đưa được nhiều hành khách lên tàu, tiềm năng doanh thu càng lớn.
“Trước đại dịch, các hãng du thuyền đã có giai đoạn phát triển bùng nổ, với rất nhiều tàu trong kế hoạch đặt hàng. Rồi đại dịch xảy ra và gần như mọi thứ bị đình trệ”, theo lời Colleen McDaniel, Tổng biên tập của Cruise Critic.
Theo bà, thế giới đang chứng kiến một làn sóng đặt hàng tàu du lịch lớn hơn cả thời kỳ trước đại dịch.
'Dòng chảy' hút hàng chục triệu du khách
McDaniel cho rằng, yếu tố then chốt để giúp trải nghiệm trên một con tàu du lịch siêu lớn trở nên dễ chịu chính là dòng chảy di chuyển bên trong tàu, cũng như việc thiết kế các không gian riêng biệt để hành khách có thể thư giãn và cảm thấy đó là “khu vực của riêng mình”.
"Các hãng du thuyền phải đảm bảo ngay cả khi bạn đang ở trên một con tàu có đến 6.000 người, hành khách vẫn có thể di chuyển thoải mái và có cảm giác rằng chuyến đi của mình không hề đông đúc”, McDaniel chia sẻ.
Các tàu thuộc dòng Oasis và Icon Class của Royal Caribbean được thiết kế theo mô hình các “khu phố”, trong khi các tàu dòng World Class của MSC lại áp dụng khái niệm “quận”. Tất cả đều nhằm giúp một con tàu khổng lồ trở nên dễ tiếp cận và thân thiện hơn với hành khách.
Nhờ đó, con tàu mang lại cảm giác như một điểm đến thực sự, chính điều đó tạo nên sức hút đối với rất nhiều du khách.
“Kỷ nguyên mà khách lên du thuyền chỉ để đến một điểm đến nào đó đã qua”, theo lời Suzanne Salas- Phó Chủ tịch điều hành phụ trách marketing, thương mại điện tử và bán hàng của MSC Cruises.
Vị này nhấn mạnh, mọi người không còn dùng du thuyền chỉ để đi đến Bahamas nữa. Họ muốn hành trình đó phải có tính đổi mới, có quán bar, nhà hàng và các chương trình giải trí. Những con tàu khổng lồ chính là nơi hội tụ tất cả những điều đó, một cách trọn vẹn.
Đây cũng là “công thức” thành công vang dội và thúc đẩy các hãng du thuyền lớn tiếp tục cuộc đua tạo ra những con tàu du lịch khổng lồ.
Song, các mối lo ngại về môi trường cũng được nhắc đến. Ông Bryan Comer, Giám đốc Chương trình hàng hải tại Hội đồng Quốc tế về Vận tải sạch, nhấn mạnh, các tàu du lịch siêu lớn thực chất là những “thành phố nổi”. Với mỗi con tàu mới được hạ thủy, chúng ta chứng kiến sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và xả thải nước thải.
Ngay cả khi sử dụng bio-LNG hoặc e-LNG, các tàu này vẫn phát thải metan từ bồn nhiên liệu hoặc động cơ, gây khó khăn cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh đó, còn có vấn đề du lịch quá tải (overtourism) và tác động lên cơ sở hạ tầng địa phương khi hàng nghìn du khách đổ về các cảng, dù lớn hay nhỏ.
Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất cả nước chuẩn bị mời thầu dự án bến siêu du thuyền 5.200ha
Bình Định sắp có khu đô thị nghỉ dưỡng và bến siêu du thuyền 5.200ha