Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Thái độ hơn trình độ’ và ‘Hãy là chính mình’ là 2 câu nói nhảm nhí
Theo ông Hoàng Nam Tiến, trước tiên mỗi người cần phải có năng lực và phẩm chất đủ để vượt qua "vòng gửi xe" sau đó mới xét đến thái độ.
“Thái độ hơn trình độ” và “Hãy là chính mình” là 2 câu nói nhảm nhí
Trong một buổi trao đổi với tân sinh viên về định hướng công việc, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học FPT, cho rằng câu “Thái độ hơn trình độ” mà nhiều người hay nói là một câu nhảm nhí.
“Ý câu đó nói rằng nếu mà có thái độ tốt thì sẽ được đánh giá cao hơn trình độ. Đừng nghe lời câu này”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
“Tôi muốn nói lại rằng: Trong những người có đủ trình độ, thì ai có thái độ tốt sẽ được đánh giá cao hơn. Chứ còn trình độ không đủ thì quên đi, bị loại từ “vòng gửi xe” rồi. Bởi vậy khi các bạn nghe thì phải nghe hết tất cả các câu như vậy”.
Từ những gì ông Hoàng Nam Tiến nói, chúng ta có thể hiểu rằng trước tiên mỗi người cần phải có năng lực và phẩm chất đủ để vượt qua "vòng gửi xe" sau đó mới xét đến thái độ.
Ngoài ra, “Hãy là chính mình” là một câu nói khác mà ông Tiến cũng cho là nhảm nhí. “Một trong những câu nhảm nhí nhất trên đời mà tôi nghe được là câu “Hãy là chính mình”. Chính mình đấy là gì? Sáng nào cũng dậy muộn, bố mẹ gọi rất nhiều lần mới dậy. Là chính mình là gì? Là ngày mai thi, đêm nay mới ngồi học. Là chính mình là luôn luôn lười biếng, ngày hôm nay có cảm hứng thì chạy 5km, ngày mai hơi mệt, thôi không chạy nữa và có thể không bao giờ chạy nữa", ông Tiến nói.
Nếu muốn là "chính mình" nhưng "chính mình" lại là người lười biếng, không tự giác, đặt mục tiêu học tiếng Anh mỗi ngày nhưng lại từ bỏ sau vài ngày, thì việc trở thành "chính mình" để làm gì?
Ông Tiến khuyên các bạn trẻ rằng: "Hãy học tập để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, mỗi ngày".
“Chúng ta có một trách nhiệm rất lớn là lập trình cho chính cuộc đời mình”
Ông Hoàng Nam Tiến nói: “Chúng ta có một trách nhiệm rất lớn là lập trình cho chính cuộc đời mình”. Chia sẻ về phương pháp xác định lộ trình cho tương lai, ông Tiến cách ví von rằng, để có cái nhìn rõ ràng về những việc cần làm ở hiện tại, nhiều người thành công đã tưởng tượng mình trong một "bộ phim xuyên không" đến ngày cuối cùng của cuộc đời.
Vào thời điểm đó, điều họ hối tiếc nhất là những việc chưa thực hiện, chứ không ai hối tiếc về những gì đã làm. Chính vì vậy, họ tìm thấy động lực để sống đúng với cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm với bản thân.
"Đam mê và mơ ước có thể giúp bạn bắt đầu, nhưng chỉ có kỷ luật mới đưa bạn đến thành công," ông Tiến nói (Ảnh: Mai Phương)
Theo ông Tiến, với các bạn thuộc thế hệ Gen Z, cuộc "xuyên không" có thể ngắn hơn, chỉ là 10 năm, 5 năm hoặc 3 năm. Ở mỗi thời điểm đó, các bạn trẻ nên tưởng tượng mình là ai, đã đạt được điều gì trong công việc và cuộc sống. Từ tương lai đó, hãy nhìn lại hiện tại và lên kế hoạch để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
“Khi đặt câu hỏi 5 năm kể từ ngày hôm nay, mình sẽ là ai, các em sẽ định hình được mình cần làm gì trong 5 năm nữa, trong 3 năm nữa, trong 2 năm nữa, và vào ngày mai, để tương lai thành hiện thực”, ông Tiến nói.
Ông Tiến nhấn mạnh rằng khi hoạch định tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều biến số trong quá trình thực hiện. Trước những biến cố tiêu cực có thể làm cuộc đời rẽ lối, sự kiên định theo đuổi ước mơ chính là yếu tố giúp chúng ta không gục ngã trước thất bại. Ông cho rằng, hơn ai hết, mỗi người phải chịu trách nhiệm với tương lai của mình. Hãy xác định rõ ước mơ và mục tiêu, sau đó tiến từng bước nhỏ để biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động cụ thể mỗi ngày.
"Đam mê và mơ ước có thể giúp bạn bắt đầu, nhưng chỉ có kỷ luật mới đưa bạn đến thành công," ông Tiến chia sẻ.