Ông lớn khoáng sản chốt kế hoạch bán 42.000 tấn đồng, hé lộ chiến lược khai thác mỏ kim loại lớn nhất thế giới
Tại cuộc họp nhà đầu tư ngày 7/2, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đánh giá, những tác động từ quyết định hạn chế xuất khẩu khoáng sản của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ giúp Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) được hưởng lợi.
Một mỏ khai thác khoáng sản của Masan nhìn từ trên cao |
Ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển của Masan, cho biết lệnh cấm xuất khẩu Vonfram và Bismuth có thể tạo ra lợi thế nhất định cho Masan High-Tech Materials, khi hai kim loại này là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp và quốc phòng.
Ngay sau lệnh cấm có hiệu lực, cổ phiếu MSR đã tăng trần hai phiên liên tiếp, tương ứng mức tăng gần 28%.
Masan High-Tech Materials hiện sở hữu một trong những mỏ kim loại lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Công ty đang theo dõi biến động giá thị trường để tận dụng cơ hội từ sự gián đoạn nguồn cung.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số từ 3-19% trong năm 2025, với doanh thu dự kiến từ 6.487 - 7.487 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa tính đến tác động của lệnh cấm Trung Quốc lên giá hàng hóa.
>> Dò sóng tăng giá nhóm khoáng sản, loạt cổ phiếu đã tăng 300-700%
Bán toàn bộ trữ lượng đồng tồn kho
Bên cạnh chiến lược xoay quanh vonfram, Masan cũng đang tích cực giải quyết lượng đồng tồn kho. Công ty đã ký hợp đồng với đối tác trong nước để bán 42.000 tấn đồng trong năm 2025 đồng thời, cũng đạt thỏa thuận với đối tác khai thác, với mức giá giảm 10%. Đây được xem là bước đi quan trọng để tối ưu hóa dòng tiền và cải thiện hiệu quả vận hành.
Năm 2024, Masan High-Tech Materials hoàn tất chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation Group với giá 134,5 triệu USD. Trong thương vụ này, Masan vẫn giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt, công ty phát triển giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium.
Sau khi hoàn tất giao dịch, Masan Group ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần, đồng thời dùng số tiền thu được để giảm nợ vay của MSR từ 670 triệu USD xuống 490 triệu USD.
Ông Danny Le, CEO Masan Group kiêm Chủ tịch HĐQT MSR, nhấn mạnh: "Chúng tôi tập trung tối ưu hóa vận hành, giảm gánh nặng lãi vay và tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với vonfram nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu".
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, Masan High-Tech Materials đạt doanh thu thuần 14.336 tỷ đồng (tăng gần 2% so với cùng kỳ); lỗ sau thuế 1.587 tỷ.
Năm 2025, công ty sẽ mở rộng hoạt động nổ mìn để gia tăng tỷ lệ khai thác khoáng sản. Trước đó, tiến độ khai thác quặng bị chậm lại do ảnh hưởng của bão Yagi và gián đoạn dịch vụ nổ mìn tại Nui Phao Mining.
Cổ phiếu khoáng sản đồng loạt tăng trần
Khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng bị thất thoát ở Yên Bái, vì đâu nên nỗi?