Chứng khoán

Ông lớn ngành thép là chủ nợ của Novaland, Hòa Bình, 'bốc hơi' 14.200 tỷ đồng doanh thu, cơn bĩ cực tái diễn sau cái cúi đầu tạ lỗi của Chủ tịch

Quốc Trung 03/02/2025 - 10:45

Sau đỉnh cao kinh doanh năm 2021 khi giá thép tạo đỉnh, ngành thép bước giai đoạn 2022-2024 với muôn vàn khó khăn. Đây cũng là điểm bắt đầu cho hành trình thua lỗ của nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có CTCP Đầu tư Thương mại SMC.

Từ "phấn khởi" đầu năm 2022...

Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên hồi tháng 4/2023, ngay phần mở đầu, ông Đặng Huy Hiệp - Tổng Giám đốc SMC đã chia sẻ: "Đầu năm 2022, chúng tôi kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau đại dịch. Lúc đó, tâm trạng rất phấn khởi".

Tuy nhiên, những biến cố xuất hiện trên thế giới đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Giá thép bắt đầu rớt sâu từ mức đỉnh 950 USD/tấn xuống còn 500 USD/tấn trong vòng hai quý. "Chúng tôi nhận thấy hầu hết doanh nghiệp thép đều giảm sút trong năm 2022 do giảm giá bán và cạnh tranh thị phần", ông Hiệp nói. Trong môi trường đó, Thương mại SMC lỗ ròng kỷ lục gần 652 tỷ đồng trong năm 2022.

"Về năm 2022, tuy có nhiều yếu tố khách quan, không thuận lợi nhưng với tư cách là Tổng Giám đốc phụ trách điều hành, tôi xin nhận trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Tôi xin gửi lời xin lỗi vì kết quả năm 2022 không được như kế hoạch đề ra", ông Hiệp cho biết.

Ông lớn ngành thép là chủ nợ của Novaland, Hòa Bình, 'bốc hơi' 14.200 tỷ đồng doanh thu, cơn bĩ cực tái diễn sau cái cúi đầu tạ lỗi của Chủ tịch
Chủ tịch HĐQT SMC Nguyễn Thị Ngọc Loan (ngồi giữa)

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Ngọc Loan cũng đứng ra nhận trách nhiệm bằng hành động cúi đầu tạ lỗi trước các cổ đông tham dự đại hội.

"Với góc độ là người đứng đầu của SMC sau 35 năm xây dựng và phát triển, tổn thất năm 2022 là tổn thất vô cùng lớn. Ở vị trí Chủ tịch công ty, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư về thiệt hại của năm 2022. Chúng tôi đã có những bài học rất lớn và rất mong sự thấu hiểu, chia sẻ từ phía cổ đông, nhà đầu tư và đối tác khách hàng".

Như để thể hiện tinh thần trách nhiệm, HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành sẽ không nhận thù lao trong năm 2022 và 2023.

>> SMC lãi quý trở lại: Chủ tịch nói "năm 2023 thật lạ lẫm"

Và sự "lạ lẫm" của năm 2023...

Bước sang năm 2023, công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. CEO SMC nhận định: "Hy vọng từ quý III/2023, tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn".

Trong khi đó, Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Loan bộc bạch: "Năm 2023 thật lạ lẫm. Trong hơn 35 năm hoạt động trong ngành thép, đây là năm lạ nhất. Thông thường, cao điểm của ngành thép thường rơi vào tháng 3 - 4 hàng năm. Nhưng năm nay lại khác. Tháng 3 năm nay tuy có nhu cầu nhưng không phải cao điểm. Lực cầu có đỡ hơn tháng 2/2023 nhưng vẫn không cao".

Ngoài ra, việc thị trường bất động sản đình trệ cũng tác động tiêu cực đến ngành thép. "Chúng tôi hay nói ngành bất động sản, xây dựng và thép là ba ngành anh em. Bất động sản khó khăn chắc chắn xây dựng sẽ khó khăn và kéo theo ngành thép", bà Loan chia sẻ.

Cuối năm 2023, công ty lỗ thêm 925 tỷ đồng, mức lỗ còn cao hơn năm trước đó. Doanh thu giảm còn 13.700 tỷ đồng sau hai năm duy trì trên 21.000 tỷ đồng. Thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra, SMC cùng với PominaTVN trở thành những doanh nghiệp thép báo lỗ hai năm liên tiếp.

... Đến nguy cơ hủy niêm yết cận kề

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, SMC cho biết doanh thu thuần cả năm tiếp tục giảm mạnh 35% YoY, còn 8.924 tỷ đồng. Con số này thậm chí đã giảm 14.200 tỷ đồng so với mức đỉnh năm 2022. Giá vốn bán hàng cao khiến lãi gộp chỉ ở mức "siêu mỏng" 21 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động khổng lồ tiếp tục đè nặng khiến Thương mại SMC lỗ sau thuế thêm 287 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, đồng nghĩa với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE đang rất cận kề.

Ông lớn ngành thép là chủ nợ của Novaland, Hòa Bình, 'bốc hơi' 14.200 tỷ đồng doanh thu, cơn bĩ cực tái diễn sau cái cúi đầu tạ lỗi của Chủ tịch
Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Thương mại SMC

Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.511 tỷ đồng, giảm 1.667 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 648 tỷ đồng, phải thu khách hàng 1.236 tỷ đồng (sau trích lập 663 tỷ đồng nợ xấu), hàng tồn kho 632 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của SMC giảm xuống 511 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 4.000 tỷ đồng (bao gồm nợ vay 2.390 tỷ đồng, gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu).

Là nhà sản xuất và phân phối thép với hơn 35 năm hoạt động, từng có giai đoạn kinh doanh huy hoàng, nhưng từ năm 2022, doanh nghiệp bắt đầu sa sút do thị trường vốn thắt chặt, nợ xấu gia tăng.

Báo cáo tài chính cho thấy SMC đang có các khoản nợ khó đòi tại hệ sinh thái Novaland (NVL) lên đến 742 tỷ đồng, cùng với các doanh nghiệp khác như Hưng Thịnh Incons, Aqua City, Đà Lạt Valley... Với khoản nợ 105 tỷ đồng của Hòa Bình (HBC), SMC đã đồng ý chuyển thành cổ phiếu HBC với giá 10.000 đồng/cp, trong khi giá thị trường chỉ còn 6.300 đồng/cp.

Để cải thiện tài chính, SMC rao bán nhiều bất động sản, gồm lô đất 27.731m² tại KCN Hòa Cầm (96 tỷ đồng), lô 9.096m² tại KCN Tân Tạo (126 tỷ đồng) và tòa văn phòng 329,5m² tại TP. HCM (170 tỷ đồng).

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 24/1, cổ phiếu SMC giảm 3,23% còn 6.300 đồng/cp, mất 86% giá trị so với đỉnh năm 2021.

>> Năm 2024: Cổ đông ngành thép lỗ nặng, chỉ một mã lớn vượt khó

Ông lớn ngành thép 37 tuổi chịu thua lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn, đầu tư chứng khoán bị 'mắc kẹt' ở cổ phiếu VND và DGC

Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của gần 800 doanh nghiệp: Nhiều dấu ấn tăng trưởng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-nganh-thep-la-chu-no-cua-novaland-hoa-binh-boc-hoi-14200-ty-dong-doanh-thu-con-bi-cuc-tai-dien-sau-cai-cui-dau-ta-loi-cua-chu-tich-274118.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông lớn ngành thép là chủ nợ của Novaland, Hòa Bình, 'bốc hơi' 14.200 tỷ đồng doanh thu, cơn bĩ cực tái diễn sau cái cúi đầu tạ lỗi của Chủ tịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH