'Ông lớn' vừa ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Từng xây dựng siêu cầu vượt biển dài nhất thế giới
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đã đóng góp lớn vào việc xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc, nổi tiếng với quy mô và tốc độ phát triển hàng đầu thế giới.
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (China Communications Construction Company - CCCC) đã bày tỏ sự quan tâm tới các dự án quan trọng của Việt Nam như Đường sắt cao tốc Bắc-Nam (dự án 70 tỷ USD), metro Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các dự án hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc - Việt Nam.
Cụ thể, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chiều ngày 28/8, ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đánh giá Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh nhờ mức độ hội nhập sâu rộng, hành lang pháp lý và môi trường đầu tư cải thiện.
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc
Được biết, China Communications Construction Company (CCCC) có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tập đoàn là một trong những nhà thầu hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, cầu, cảng, sân bay…
Tập đoàn được thành lập vào năm 2005, khi Công ty Xây dựng Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation - CRBC) và Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company - CHEC) được hợp nhất.
Tập đoàn CCCC được niêm yết lần đầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vào ngày 15/12/2006, với mã 1800.HK. Sau đó, vào ngày 9/3/2012, CCCC cũng được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) với mã 601800.
Việc niêm yết trên cả hai sàn giao dịch đã giúp CCCC huy động được nguồn vốn đáng kể để mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư vào các dự án lớn trong và ngoài nước.
Đơn vị xây siêu công trình cầu vượt biển dài nhất thế giới
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án kỹ thuật liên quan.
Đối với hoạt động xây dựng cầu và đường bộ, Tập đoàn CCCC đã tham gia xây dựng hàng loạt các cây cầu và đường cao tốc lớn, đặc biệt là siêu dự án Cầu Hồng Kông - Chu Hải - Ma Cao. Theo Xinhua, Kỹ sư trưởng Lin Ming của CCCC từng chia sẻ họ đã giải quyết được những thách thức lớn về kỹ thuật trong quá trình xây dựng cây cầu vượt biển dài nhất thế giới này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn CCCC cũng đã đóng góp lớn trong việc xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc, nổi tiếng với quy mô và tốc độ phát triển vượt bậc.
Được biết, CCCC đã thành lập 280 cơ sở tại 123 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Tập đoàn cũng có hoạt động kinh doanh tại 157 quốc gia và khu vực.
Tập đoàn cũng được xếp hạng thứ 63 trong danh sách Fortune Global 500. Doanh thu năm 2023 của Tập đoàn ước tính khoảng 106 tỷ USD, theo Companies Marketcap. Công ty tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong các mảng kinh doanh chính.
CCCC không chỉ tập trung vào xây dựng và cơ sở hạ tầng mà còn đầu tư mạnh vào đổi mới công nghệ và phát triển bền vững. Công ty đã tích cực tham gia vào việc phát triển các công nghệ xanh cũng như khởi động nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Từ năm 1996 đến nay, Tập đoàn CCCC đã hoạt động tại Việt Nam với hơn 30 dự án cảng biển, công trình điện gió gần bờ, các khu công nghiệp…được thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam như Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hải Phòng - Đồng Đăng - Móng Cái và các dự án hạ tầng kết nối Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc, một số quốc gia khác.
Tham khảo Xinhua, Fortune, website CCCC